Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể tấn công thẳng vào đảo Guam thuộc Mỹ trong một cuộc chiến, hoặc tấn công các tàu chiến, tàu sân bay. Và quả tên lửa nặng 20 tấn này không chỉ nhắm tới Guam mà còn đe dọa các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz và Ford của Mỹ, theo nhận định của National Interest.
DF-26 được xếp vào hàng tên lửa đạn đạo tầm trung. “Vũ khí mới được triển khai cho Lực lượng Tên lửa là DF-26”, đại tá Ngô Khiêm, phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói với các phóng viên ngày 26/4/2018. “Sau giai đoạn thử nghiệm, loại tên lửa này đã sẵn sàng được trang bị và hiện đã trang bị chính thức cho lực lượng tên lửa”.
Ông Ngô thông báo thêm về bốn tính năng chính của tên lửa DF-26 và vai trò của tên lửa này đối với năng lực tác chiến của Trung Quốc. “Là thế hệ tên lửa tầm trung-tầm xa mới, DF-26 có bốn tính năng sau đây”, ông Ngô nói. “Thứ nhất, nó được nghiên cứu, phát triển và sản xuất độc lập tại Trung Quốc và chúng tôi có bản quyền hoàn toàn đối với nó. Thứ hai, nó có thể mang theo các đầu đạn cả hạt nhân lẫn công ước, có thể hoặc phản công nhanh bằng hạt nhân hoặc tấn công chính xác bằng các đầu đạn công ước ở tầm trung và xa.
Thứ ba, DF-26 có thể dùng để phát động tấn công chính xác đối với các mục tiêu quan trọng trên đất liền và đối với tàu cỡ vừa và cỡ lớn trên biển. Thứ tư, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng đối với tên lửa DF-26, giúp gia tăng mức độ ứng dụng và cải thiện tính tích hợp và tính “thông tin hóa”.
Tuy nhiên, ông Ngô nói, Bắc Kinh, không giống Mỹ và Nga, tiếp tục duy trì nghiêm khắc nguyên tắc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Theo lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, bởi vì tên lửa DF-26 được cho là có khả năng phản công nhanh bằng hạt nhân và tấn công tầm xa chính xác bằng đầu đạn công ước” trong khi cũng được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên biển, chắc chắn dòng tên lửa này có nhiều phiên bản.
Và ít nhất đến nay đã có hai phiên bản là DF- 26A và DF-26B với các đầu đạn khác nhau. Theo National Interest, một phiên bản có lẽ được thiết kế để tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất và có thể lắp cả đầu đạn công ước và đầu đạn hạt nhân, có khả năng đánh trúng mục tiêu với sai số 150-450m.
Tuy nhiên, phiên bản đạn đạo chống hạm của DF-26 được thiết kế để có thể vừa tấn công mặt đất, vừa tấn công trên biển phải có tính chính xác cực kỳ cao và sai số phải rất nhỏ, có thể là 10m, theo một số ước đoán. Nhưng cụ thể việc ngắm bắn và dẫn hướng của tên lửa chưa rõ ràng và công chúng còn lâu mới biết thực tế hiệu quả của DF-26 đến đâu. Việc điều hướng cho một tên lửa bay 3.000-4.000 km đánh trúng đích là cực kỳ phức tạp.
Đã có một số đồn đoán rằng một cuộc thử nghiệm tên lửa vào tháng 5/2017 trên vùng biển gần bán đảo Triều Tiên với loại tên lửa DF-26, tuy nhiên, không có xác nhận chính thức từ quân đội Trung Quốc.
“Quả tên lửa có thể đã được Lực lượng Tên lửa phóng từ phía tây bắc sang phía đông, với tầm bắn 2.000km hoặc hơn. Đó có thể là loại tên lửa tầm trung DF-26B, một phiên bản của DF-26”, nhà bình luận quân sự Lương Quốc Lượng nói với SCMP. Tất nhiên đây cũng mới chỉ là phỏng đoán.