“Tể tướng Lưu gù Việt Nam” sắp lên sân khấu

Hội thảo về Lê Đại Cang ở Hà Nội.
Hội thảo về Lê Đại Cang ở Hà Nội.
TP - Ngày 16/12, hội thảo “Lê Đại Cang với bắc thành Hà Nội” đã công bố hai tác phẩm sân khấu và một trường ca về nhân vật truyền kỳ này.

Lê Đại Cang (1771 - 1847) quê gốc ở Bình Định nhưng có gần 20 làm quan tại Hà Nội.

Đây là một nhân vật lịch sử có cuộc đời thăng trầm “lên voi xuống chó”, tương tự Tể tướng Lưu gù. Lê Đại Cang từng làm đến chức Tổng đốc, nhưng cũng có hai lần bị giáng làm lính khiêng võng. Khi có công, mới được phục chức.

Từ năm 1828, ông được điều phụ trách Nha đê chính Bắc Thành, trực tiếp chỉ đạo đắp hệ thống đê công mới ở Bắc thành với 18 công trình lớn, hơn 1.000 công trình nhỏ. Câu nói nổi tiếng của Lê Đại Cang thời kỳ này cũng đã được ghi vào sử sách: “Đê tồn Cang tại, đê hoại Cang vong”.

Ông cũng từng được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Hà Nội. Trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát được Lê Đại Cang chọn đỗ thứ hai nhưng sau bị triều đình đánh rớt.

Các nhà sử học đánh giá: những năm tháng ở Hà Nội là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời vị đại quan quê Bình Định nhưng là rể của Hà Nội như anh hùng dân tộc Quang Trung.

Tổng thời gian làm quan của Lê Đại Cang là 41 năm, kéo dài suốt cả ba triều vua Nguyễn: vua Gia Long, vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị. Triều đình nhà Nguyễn lúc đó có 6 Bộ, ông đều kinh qua và có những đóng góp rất to lớn, phong phú trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hành pháp, giáo dục, ngoại giao.

Khi hưu quan, Lê Đại Cang chỉ mang theo về một thanh đại đao và chiếc đòn khênh võng. Con cháu ông được dặn rằng: ba đời sau, làm nghề gì cũng được, trừ làm… quan.

Tuy vậy, cũng như nhiều nhân vật cự phách triều Nguyễn khác, Lê Đại Cang hầu như ít được nhắc đến hoặc nhắc đến rất sơ sài trong sử sách.

Sau một số hội thảo “chiêu tuyết” cho Lê Đại Cang, nhiều nhà văn, nhà thơ đã lấy cuộc đời ông làm cảm hứng sáng tác.

Nhà thơ Thanh Thảo đã hoàn thành và cho công bố trường ca “Người khiêng võng” (NXB Hội nhà văn, 2016). Bản trường ca được đánh giá cao trên văn đàn, được đề cử Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam nhưng nhà thơ Thanh Thảo xin rút vì bản thân ông là Chủ tịch hội đồng Thơ. Ngoài ra, hai kịch bản sân khấu về Lê Đại Cang cũng được công bố. Kịch bản tuồng “Hoạn lộ” của tác giả Nguyễn Sĩ Chức đã được tặng giải nhì kịch bản xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN năm 2016, được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng nhận dàn dựng. Một kịch bản tuồng khác: “Quan khiêng võng” của tác giả Văn Trọng Hùng sẽ được Nhà hát tuồng Đào Tấn quê hương Lê Đại Cang đưa lên sân khấu trong năm 2018.

Tên Lê Đại Cang đã được đặt tên đường ở TP Quy Nhơn, một số thị trấn thị xã ở Bình Định và TP Châu Đốc, An Giang.

 GS Hoàng Chương đánh giá: “Lê Đại Cang đặc biệt không chỉ vì sự nghiệp lớn của ông, mà còn vì một nhân cách lớn, một bản lĩnh kẻ sĩ đáng kính. Đó là con người trọn đời coi thường lợi danh, phú quý không thể cám dỗ, nghèo khó không làm thay đổi, uy vũ không thể khuất phục, khi gặp thời, thành công không đắc chí, lúc sa cơ, thất bại không nản lòng, biết đứng dậy từ nơi vấp ngã, luôn ung dung tự tại để thấy vinh trong nhục, thấu phúc trong họa”.

MỚI - NÓNG