Tay trắng nổi cơ đồ

Tay trắng nổi cơ đồ
TP - Thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, tạo lập kênh dẫn vốn đến với nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hiệu quả, Agribank đang ngày càng nắm chắc thị phần nông thôn. “Tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của ngân hàng đến với bà con nông dân ”, Phó Giám đốc Agribank Nam Định Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

> Doanh nhân Việt bàn mô hình “Gia đình quản”
> Việt Nam sắp có Hội doanh nhân gia đình

Tay trắng mà nên

Nhìn cơ ngơi mô hình trang trại vườn của anh Hoàng Xuân Lập xã Xuân Canh huyện Đông Anh (Hà Nội), không ai nghĩ rằng mô hình này cũng được gây dựng bằng những đồng vốn nhỏ vay của Agribank (2 đến 7 triệu đồng) từ năm 2001.

Hiện nay, anh Lập đang có dư nợ tại Agribank 500 triệu đồng, nguồn vốn vay được đầu tư vào trồng cây cảnh, hoa… mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình từ 300 – 500 triệu đồng. Ngoài tạo công ăn việc làm cho gia đình, anh Lập còn tạo việc làm thường xuyên cho hai lao động địa phương với mức thù lao từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Vào vụ như Tết thì anh còn phải thuê thêm hàng chục lao động.

Còn ông Đào Thiện Chiến ở thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy (Nam Định) vốn là người năng động đã mạnh dạn chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm. Được người thân ủng hộ, phần còn thiếu ông vay của Agribank chi nhánh Giao Thủy. Tổng số tiền đầu tư vào khu đầm nuôi tôm hết khoảng 2 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Agribank 400 triệu đồng. Vụ đầu tiên thu hoạch đã lãi 500 triệu đồng, phần ông Chiến để lại đầu tư, phần còn lại trả nợ ngân hàng và người thân.

Cũng lập nghiệp từ 5 triệu đồng vay Agribank cách đây gần vài năm thông qua tổ vay vốn, anh Phạm Văn Cảnh, xóm 23, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) nay đã xây được nhà khang trang, mua 2 xe tải cho con trai kinh doanh, đầu tư vốn cho con trai nuôi tôm ở Thái Bình, buôn thóc gạo, làm địa lý thức ăn chăn nuôi. Từ một trong những hộ nghèo của xã, nhờ đồng vốn của Agribank gia đình ông Cảnh thoát nghèo và hiện là khách hàng “VIP” của Agribank chi nhánh Hải Hậu với hạn mức tín dụng lên tới 1 tỷ đồng..

Kênh dẫn vốn hiệu quả

Phó Giám đốc Agribank Nam Định Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, tổng số tổ vay vốn của chí nhánh tính đến 31/7/2013 là 2.756 tổ, số hộ vay vốn còn dư nợ là 54.986 hộ, dư nợ thông qua tổ vay vốn là 3.489 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 57,1% / tổng dư nợ. Như vậy, các tổ tổ vay vốn được ví như cánh tay nối dài tạo kênh dẫn vốn hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Tuyến, tổ trưởng tổ vay vốn xóm 16, xã Hải Anh (Hải Hậu-Nam Định) cho biết, khi hộ nông dân có nhu cầu vay vốn, tổ trưởng đã cùng cán bộ tín dụng ngân hàng đi kiểm tra cụ thể từng trường hợp trước khi quyết định cho vay. “Với trách nhiệm là tổ trưởng tổ vay vốn, sau khi cho vay tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng hạn, không có nợ quá hạn”, ông Tuyến cho biết.

Còn tại tỉnh Thái Bình, các tổ vay vốn cũng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc chuyển tải kênh dẫn vốn đến cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã thành lập được 1.600 tổ vay vốn ở 285 xã, thị trấn với 34.643 thành viên. Tính đến 27/8/2013, dư nợ cho vay qua các tổ vay vốn đạt 793 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2013, toàn hệ thống Agribank có 40.839 tổ vay vốn cho vay thông qua Hội Nông dân, Hội phụ nữ làm tín chấp… tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn: 26.952 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.