Làm cỏ cho dừa ở Tây Ninh |
Trong “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tây Ninh”, tỉnh Tây Ninh lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Theo đó, Tây Ninh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói chung.
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thuỷ sản bình quân từ 2% - 2,5%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 4%/năm. Phấn đấu tăng thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,1%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 40%.
Phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đường về huyện Tân Châu – địa phương phát triển mạnh vườn cao su, mía và khoai mì. |
Tỉnh sẽ đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn; ban hành các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị.
Với mục tiêu lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, định hướng đến năm 2050, Tây Ninh phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Về kinh tế, Tây Ninh sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Chú trọng việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nâng cao trình độ cơ giới hoá, tự động hoá đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại, gần với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao.
Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác.
Từ nay đến năm 2050, Tây Ninh phát triển theo 3 hướng: Các xã khu vực ven đô thị có kinh tế phi nông nghiệp chiếm đa số, đồng thời dịch vụ, thương mại và hạ tầng phát triển mạnh thì hướng tới đô thị hoá; Các xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá thì xây dựng các vùng chuyên canh bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, có hạ tầng và các cụm ngành chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; Các xã nông thôn truyền thống thì phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; bảo tồn và phát huy văn hoá địa phương. Đối với các xã giáp biên giới, tỉnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển giao thương, bảo đảm an ninh nông thôn biên giới.