Tây Ninh: Phát triển thương mại biên giới

Tây Ninh: Phát triển thương mại biên giới
Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 240km tiếp giáp với 3 tỉnh Kampong Chàm, Svay Rieng và Prey Veng thuộc Vương quốc Campuchia. Cùng với đó là 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, thêm vào nữa là 12 cửa khẩu chính và phụ. Đây có thể được xem là một thế mạnh phát triển thương mại biên giới của tỉnh Tây Ninh.

Từ năm 2006 đến nay, Tây Ninh đã đầu tư xây dựng mới 4 chợ, nâng cấp, sửa chữa 2 chợ để phục vụ mậu thương biên giới. Đến nay, Tây Ninh có tổng số 25 chợ trên tuyến biên giới, trong đó có 16 chợ biên giới, 3 chợ liên xã, 5 chợ cửa khẩu và 1 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; các chợ trên tuyến biên giới đều là chợ hạng III.

Công tác nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây mới các chợ xã biên giới giúp nhân dân trao đổi hàng hóa với nhau và với cư dân các xã biên giới giáp biên, đã hình thành thói quen giao lưu hàng hóa qua chợ của người dân vùng biên giới và thu hút người đến tham gia hoạt động chợ; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đăng ký đầu tư để xây dựng mở rộng mạng lưới các chợ biên giới...

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có Khu thương mại - công nghiệp Mộc Bài với 49 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Lượng khách đến đây tham quan mua sắm hằng năm bình quân là 2,5 triệu lượt người.

Vào năm 2009, sau khi làm việc, có biên bản thỏa thuận với 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, UBND tỉnh Tây Ninh có quyết định mở 2 cửa khẩu phụ là Cây Me, thuộc huyện Bến Cầu giáp ranh với xã Phum tho Loốt ,thành phố Ba Vét, tỉnh Svay Rieng và Tân Nam, thuộc huyện Tân Biên giáp ranh với xã Mơn Chay, huyện Kamchay Mear, tỉnh Prey Veng.

Trong 5 năm 2006-2010, kim ngạch mua bán hai chiều qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Campuchia ước đạt 2.173 triệu USD, trong đó, Tây Ninh chiếm khoảng 20% đến 30%, chủ yếu là hạt điều, sắn. Riêng năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 387 triệu USD.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng như: sản phẩm nhôm, nhựa, hàng may mặc sẵn, giày dép, chất tẩy rửa, thực phẩm tiêu dùng, trái cây, rau quả...; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là mủ cao su, gỗ cao su xẻ, hạt điều thô, thuốc lá, trái cây, sắn tươi và khô…

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh cũng đang hỗ trợ cho các huyện biên giới đầu tư xây dựng, phát triển chợ, bãi tập kết hàng hóa, bãi sang hàng... ở những nơi có điều kiện, tạo thuận lợi cho hệ thống chợ biên giới phục vụ đắc lực chiến lược xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đường bộ, góp phần phát triển kinh tế khu vực biên giới, nhằm bảo vệ biên giới, ngăn chặn buôn lậu có hiệu quả. Kêu gọi các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các dự án thương mại, hạ tầng kinh tế kỹ thuật và đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, xã biên giới để khai thác hiệu quả lợi thế vùng kinh tế giáp biên./

Theo K.V
Đảng Cộng Sản

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG