Tây Nguyên: Hơn nửa triệu tấn nghệ sẽ bán đi đâu?

Phó Bí thư Mai Đình Thọ (áo trắng thứ 2 từ phải qua) tại vùng trồng nghệ do Cty Solavina đầu tư.
Phó Bí thư Mai Đình Thọ (áo trắng thứ 2 từ phải qua) tại vùng trồng nghệ do Cty Solavina đầu tư.
TP - Ngày nào nông dân còn tự phát nuôi trồng theo kiểu phong trào, ngày đó sản phẩm do họ làm ra còn phải đối mặt với nguy cơ thừa, ế. Sau nhiều cuộc phá sản do “phát triển nóng” cao su, cà phê, tiêu, hiện nguy cơ khủng hoảng thừa sản lượng củ nghệ lại hiển hiện trước mắt.

Chưa có nhà máy, vẫn trồng cả vạn hécta

Sự phấn khởi của nông dân nhiều tỉnh qua 2 năm gần đây về lợi nhuận mà công nghệ đem lại đã khiến diện tích trồng nghệ niên vụ 2017-2018 bùng nổ khắp các vùng miền. Đặc biệt là trên Tây Nguyên. 

Ngang dọc khắp các huyện thành của tỉnh Đắk Lắk, đâu đâu cũng thấy cây nghệ. Có nơi trồng thuần, có nơi trồng xen hoặc tranh thủ cắm xuống bất cứ chỗ nào có thể. Một cán bộ lãnh đạo huyện Krông Pắk ước tính diện tích nghệ do nông dân tự phát trồng trên địa bàn huyện lên tới gần 3.000 ha. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNNT cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật phối hợp với các Trạm và Phòng Nông nghiệp thống kê diện tích nghệ trên toàn tỉnh, chưa chốt số liệu, nhưng “cỡ 7.000-8.000 ha nghệ trên cả tỉnh là có”.

Một nhóm doanh nhân đã “đi nát 5 tỉnh Tây Nguyên”, khẳng định tổng diện tích nghệ sắp thu hoạch không dưới 20.000 ha, dù tới nay trên khắp khu vực này chưa có nhà máy chế biến nghệ nào. Với năng suất bình quân ở mức thấp 30 tấn củ tươi/ha (nhiều nơi đã đạt năng suất 40-45 tấn/ha nghệ), thì vụ thu hoạch nghệ tới từ tháng 1-3/2018 trên Tây Nguyên, tổng sản lượng có thể lên đến 600.000 tấn củ tươi.

Gay go canh bạc thị trường

Tôi hỏi ông Tám - một nông dân trồng xen hơn 3 ha nghệ trong rẫy cà phê tái canh ở huyện Ea Kar, là tới ông tính bán nghệ đi đâu? Ông cho biết không riêng gia đình ông, mà cả vùng này sẽ bán nghệ sang nhà máy chế biến tinh bột nghệ ở huyện lân cận Krông Pắk. “Nghe nói đang xây to lắm, họ chế biến mỗi ngày cả nghìn tấn củ, mấy trăm hescta nghệ ở xã ni bõ bèn gì mà lo?”- ông Tám rất tự tin trả lời phóng viên.

Đưa tôi đến những cánh đồng nghệ mênh mông, nối tiếp từ xã nọ qua xã kia trên địa bàn huyện, ông Mai Đình Thọ - Phó Bí thư huyện ủy Krông Pắk cho biết nông dân tự phát trồng nghệ quá nhiều, trong khi chuỗi 3 nhà máy sơ chế nghệ mà công ty cổ phần Solavina dự kiến xây trên địa bàn huyện tới nay vẫn chưa khởi công. “Phía Solavina rất nhiệt tình. Họ không quảng cáo nhằm bán giống, mà quan tâm liên kết hỗ trợ nông dân cả phân, giống và kỹ thuật nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Tuy nhiên, do chưa xong thủ tục cấp phép đầu tư và thuê đất xây dựng nhà máy, họ vừa phải thuê tạm kho và sân phơi của công ty Cà phê 719 làm nơi đặt máy sơ chế cho vụ nghệ tới. Kiểu này không biết nông dân bán nghệ đi đâu cho hết? Coi ti vi thấy ở Trung Đông nông dân chỉ tập trung canh tác, còn đầu ra đầu vào các Bộ lo, thấy thèm!”- ông Thọ lo lắng nói.

Phóng viên hỏi ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Solavina, cho biết cả vạn hộ nông dân trồng nghệ ở tỉnh Đắk Lắk hy vọng  Solavina sẽ là “chủ thầu” cho cả núi nghệ họ sắp bán ra. Ông Quang khẳng định niềm tin đó khá hão huyền. Bởi với những vướng mắc thủ tục hành chính và nội lực doanh nghiệp, vụ nghệ này Solavina chỉ có thể thu mua tối đa tại Đắk Lắk từ 20-30 nghìn tấn, ưu tiên vùng nguyên liệu hơn 100 ha mà công ty đã hướng dẫn nông dân trồng sạch.

Ông Quang cho biết Cty Solavina mua nghệ để sấy khô xuất qua các nước Trung Đông, sản xuất bột nghệ và curcumin, tinh dầu nghệ v.v... Nhu cầu tiêu thụ curcumin (hoạt chất trong củ nghệ có tác dụng chữa nhiều loại bệnh như ung thư, viêm loét đường tiêu hóa, men gan cao, viêm gan, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ v.v...) trên thế giới cực lớn, nhưng phải đạt các tiêu chuẩn ngặt nghèo. Nghệ phát triển tốt, hàm lượng curcumin cao tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số nước như Indonesia, Myanmar đang bán bột nghệ khô giá rất rẻ, chỉ 1.500USD, tức khoảng 34 triệu đồng/tấn. Cty Solavina dự kiến mua 6.000đ/ký nghệ tươi, tương đương 43 triệu đồng/tấn nghệ khô, nên công ty cũng đau đầu với canh bạc thị trường. Chờ xong lộ trình đào tạo canh tác bài bản cho nông dân, mới có thể cạnh tranh nổi.

 Chờ phát triển thị trường cho Nano Curcumin Việt

Cùng quan tâm về giá trị của nghệ, Ts Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC New) tại Hà Nội năm 2016 đã đưa ra thị trường sản phẩm mới chiết xuất từ nghệ, mà ông đã cùng cộng sự thuộc phòng nghiên cứu phát triển OIC New kiên trì nghiên cứu suốt 7 năm mới thành công. Đó là Nano Curcumin dạng dung dịch, chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam với kích thước hạt Nano chỉ từ 20-50 nano mét, chỉ cần 1ml Nano Curcumin mỗi ngày là đủ phát huy đa công dụng.

Ts Minh nhỏ vài giọt Nano Curcumin vào cốc nước khuấy nhẹ, lập tức dung dịch tan hết, nước chuyển sang màu vàng đỏ. Theo hồ sơ sản phẩm, thì 2 mặt hàng dung dịch Nano Curcumin là mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe của OIC New đã được Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội công nhận là sản phẩm của Doanh Nghiệp Khoa Học Công Nghệ bằng độc quyền sáng chế số 16095.

Ts Minh cho biết song song với việc xây dựng hệ thống phân phối Nano Curcumin dạng dung dịch trên cả nước, 2 loại sản phẩm này đã được giới thiệu sang Úc, Angola, Brazil.

“Nếu dung dịch Nano Curcumin của OIC New xâm nhập thị trường thế giới thành công, thì việc tiêu thụ nghệ cho nông dân sẽ thuận lợi hơn nhiều. Nhưng đó là chuyện tương lai. Hiện các đối tác của OIC New sản xuất Curcumin tiêu chuẩn 98%, mới đủ sức mua một phần nhỏ sản lượng nghệ trồng theo tiêu chuẩn Việt GAP ở các tỉnh phía Bắc. Khả năng khủng hoảng thừa vụ nghệ tới trên Tây Nguyên là khó tránh khỏi. Sắn thừa, lợn còn ăn được. Nghệ thừa rất khó giải quyết đầu ra”.

 Ts Minh khẳng định

MỚI - NÓNG