'Tây' mưu sinh ở ta

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không thể trở về nước vì dịch COVID-19 hoặc lý do khác, nhiều người nước ngoài đã chọn ở lại TPHCM, làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. Dù có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng họ đều lạc quan và bày tỏ lòng biết ơn đất nước, con người Việt Nam.
'Tây' mưu sinh ở ta ảnh 1

Dehbi Mohamed (người Algeria) vui mừng vì tìm được việc làm khi bị kẹt ở Việt Nam

Có khách đến thì dắt xe, ghi vé; lúc vắng khách thì xếp xe gọn gàng… Đó chính là công việc kiếm cơm mỗi ngày của không ít người nước ngoài bị kẹt lại Sài Gòn do dịch bệnh.

Thoát ăn bờ ngủ bụi

Gần 4 tháng qua, ông Lee Young Woo (50 tuổi, người Hàn Quốc) làm bảo vệ kiêm giữ xe cho một tiệm spa trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TPHCM). Vừa treo lủng lẳng ổ bánh mì và hai bịch chè trên xe máy, ông Lee vừa trò chuyện: “Tôi làm từ 8h30 đến 22h30, công việc khá nhẹ nhàng là trông giữ xe cho khách, bảo vệ cho tiệm không bị mất cắp…”.

Ông cho biết, cuối năm 2020, khi đang ở quận 7 (TPHCM), ông bị mất toàn bộ giấy tờ, visa, số tiền đem theo. Trong thời gian chờ Đại sứ quán hỗ trợ, ông không có chỗ ăn ngủ, phải nhờ vỉa hè qua ngày. “Một người dân thấy vậy đã giới thiệu cho tôi công việc giữ xe này. Từ đó, tôi không còn lo chuyện ăn ở, mỗi tháng còn có lương để trang trải cuộc sống. Tháng 5 này tôi được cấp lại visa, nhưng vẫn muốn ở lại TPHCM làm việc”, ông nói.

'Tây' mưu sinh ở ta ảnh 2

Anh Trần Thiện Phương (áo sáng màu) đã hỗ trợ 6 người ngoại quốc trong mùa dịch

Không riêng ông Lee, khá nhiều người nước ngoài đã chọn việc trông giữ xe tại TPHCM làm “cần câu cơm”. “Tôi đến Việt Nam du lịch, nhưng do dịch COVID-19 nên tôi đã bị kẹt ở Việt Nam. Tôi gặp phải vấn đề nghiêm trọng, đó là không còn tiền để mua thức ăn, chi trả cho nơi ở nên tôi đi tìm một công việc để mưu sinh. May mắn, tôi tìm được công việc này và ông chủ rất tốt, giúp đỡ tôi về mọi mặt”, anh John (quốc tịch Ấn Độ) nói.

Làm việc tại một công ty thời trang, mỹ phẩm, thể thao ở quê nhà, anh Ashok Kumar (quốc tịch Ấn Độ) đến Việt Nam để mở rộng thị trường, nhưng bị kẹt lại TPHCM bởi đại dịch COVID-19. “Hết tiền, tôi phải rời khỏi nhà trọ và trở thành người vô gia cư, không việc làm...”, anh Kumar kể. Sau đó, anh tìm được việc giữ xe máy tại một bãi giữ xe trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1, TPHCM). Ngoài mức lương 6-7 triệu đồng/tháng, anh còn có nơi ăn ở, tích lũy được ít tiền gửi về cho người thân ở Ấn Độ.

Sau một đêm thức trắng trông giữ xe, anh Jagir Singh (quốc tịch Ấn Độ) ăn vội tô mì gói rồi tranh thủ chợp mắt. Anh cho biết, mình bị mắc kẹt ở TPHCM từ tháng 3/2020. Sau một khoảng thời gian dài không có chuyến bay về Ấn Độ, tiền mang theo cạn dần, không nhà trọ, anh lang thang khắp nơi để kiếm việc làm và may mắn tìm được việc làm như hiện tại. Do không rành tiếng Anh, không biết tiếng Việt, công việc hằng ngày của anh là ghi thẻ xe, trông giữ, dắt xe cho khách. Anh được hỗ trợ chỗ ăn, ngủ, chi phí gia hạn visa… Những lúc rảnh rỗi, anh gọi điện về cho người thân.

Cám ơn Việt Nam!

Tôi tình cờ quen biết anh Dehbi Mohamed (25 tuổi, quốc tịch Algeria) trong một lần gửi xe trên đường Nguyễn Khắc Nhu (Q.1, TPHCM). Anh khoe thuộc nhiều tuyến đường ở Sài Gòn, lái xe máy rất giỏi. Anh đến Việt Nam được 15 tháng và bị kẹt lại Sài Gòn khi dịch COVID-19 bùng phát. Anh tìm được công việc bảo vệ, trông giữ xe và mong ước có thể sử dụng vốn tiếng Anh của mình để dạy thêm. “Công việc ở đây phần nào giúp tôi trang trải cuộc sống. Ở Việt Nam, tôi thấy rất an toàn, các bạn chống dịch rất tốt và cũng rất thân thiện, hiếu khách. Cảm ơn các bạn vì đã bao bọc tôi, giúp tôi có thể sống tại một nơi xa lạ lâu như vậy mà không cảm thấy nhớ nhà…”, anh bày tỏ.

Khi biết những người ngoại quốc gặp khó khăn, anh Trần Thiện Phương, Giám đốc Công ty Giữ xe chuyên nghiệp Leosix, đã tạo việc làm cho họ. “Họ sang Việt Nam, làm thầy giáo, đầu bếp... Do dịch nên mất việc, không có tiền ăn, thuê nhà… Thấy vậy, những người bạn quen biết đã nhờ tôi nhận họ vào làm việc. Lúc đầu, tôi cũng lo vì bất đồng ngôn ngữ, không biết tính tình họ thế nào… nhưng nghĩ thôi kệ, cứ tạm thời cho họ làm có gì tính sau. Họ làm việc rất siêng năng và tích cực”, anh Phương kể.

Về ấn tượng, kỷ niệm đáng nhớ ở Việt Nam, anh Singh cho biết, điều khiến anh nhớ nhất là được tổ chức sinh nhật. Chỉ một chiếc bánh kem nho nhỏ trong ánh nến lung linh, những anh em từ nhiều nơi trên thế giới cùng cảnh ngộ đã hát bài “Chúc mừng sinh nhật” thật ấm áp. “Tôi rất may mắn khi mắc kẹt ở Việt Nam bởi có công việc tốt và những người bạn yêu thương. Khi mọi người tổ chức sinh nhật, tôi đã khóc vì không ngờ mình lại được đón sinh nhật tại Việt Nam và trong hoàn cảnh như thế này”, anh bồi hồi nói.

Dù công việc, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ đều bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục làm việc ở Việt Nam. “Khi nào trở về nước, tôi sẽ kể mọi chuyện tại Việt Nam cho gia đình và những người bạn về đất nước Việt Nam và công việc của mình. Tôi thấy rất hạnh phúc khi làm việc ở Việt Nam bởi người Việt Nam đã không kỳ thị, xa lánh mà còn giúp đỡ chúng tôi. Sau này tôi sẽ mời bạn bè của mình qua Việt Nam làm việc chung với tôi”, ông Lee nói.

“So với các nước khác trên thế giới đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ở Việt Nam, tôi cảm thấy khá an toàn và ở đây, tôi cũng có những người bạn tốt bụng và một công việc ổn định. Dù sao, tôi vẫn mong dịch bệnh sẽ mau qua đi để có thể về nhà và chắc chắn sẽ quay lại thăm Việt Nam bởi vì tôi yêu Việt Nam”, anh Kumar bộc bạch.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...