Bạn bè ước giống tôi
Hẹn Albert Andrews (thường gọi là Bơ) trong một quán trà nhỏ ở góc đường Trương Định (Q.3, TPHCM) trong cơn mưa đầu mùa ở Sài Gòn, anh chàng người Mỹ liền khoe: “Hôm qua Bơ mới gọi Facebook với bạn bè ở Mỹ, họ ghen tỵ với Bơ lắm, bảo Bơ “sướng” vì tự do, muốn cà phê hay gặp gỡ bạn bè, đi chơi đều được. Còn ở Mỹ nhiều nơi phong tỏa, bạn Bơ chỉ ở nhà thôi. Buồn lắm!”.
Dù đặt chân đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Bơ bảo, thích Việt Nam nhất bởi đây không chỉ là quê hương của mẹ, mà chính bởi con người ở đất nước hình chữ S này đã níu chân anh chàng 38 tuổi này ở lại.
Vẫn không quên được ấn tượng khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Lúc đấy, anh Bơ cảm thấy lo lắng khi một số người chưa hiểu về tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 và họ cho rằng người nước ngoài có thể mang mầm bệnh cho mọi người.
“Cũng may, nhờ Chính phủ Việt Nam tuyên truyền tốt, họ đã thay đổi cách nghĩ. Tôi cũng yên tâm khi làm việc ở Việt Nam và cảm thấy mình may mắn vì vẫn có công việc để làm, không bị thất nghiệp như nhiều người bạn của tôi đang bị mắc kẹt vì dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu trở về nước, chúng tôi sẽ đối mặt với dịch COVID-19 đang khó kiểm soát, trong khi ở Việt Nam lại là nơi an toàn về phòng, chống dịch” - Bơ chia sẻ.
Vốn là hướng dẫn viên du lịch, Laura (32 tuổi, quốc tịch Pháp) bị kẹt lại ở TPHCM từ cuối năm 2019 đến nay. Dù bây giờ, cô gái này có thể bay về Pháp nhưng Laura chọn cách ở lại. Cô tiết lộ, ngoài việc được an toàn, giá cả ở Việt Nam rất rẻ so với mức sống ở nước họ. “Ở đây, dù chưa có việc làm ổn định, tôi vẫn thuê được phòng trọ có giá từ 100 USD/tháng. Nếu trở về nước, tôi phải chi khoảng 4.000 USD cho vé máy bay, chi phí cách ly và kiểm tra y tế…” - Laura bày tỏ.
Anh Bơ cho biết, rất may mắn và hạnh phúc khi “mắc kẹt” ở Việt Nam. |
Thời gian khó khăn ban đầu trong đại dịch COVID-19 đã qua, du khách bây giờ đã có thể bay về nước, nhưng cơ hội quay lại Việt Nam sau khi về nước lại rất xa vời do Việt Nam đang hạn chế nhập cảnh. Mike Rizzo (26 tuổi, quốc tịch Mỹ) chọn nghề dạy thêm tiếng Anh để mưu sinh trong 2 năm kẹt lại ở Sài Gòn. “Tôi thấy mình may mắn khi ở lại Việt Nam. Tôi rất tin vào y tế của nước bạn, rất thích người Việt Nam vì sự thân thiện, cởi mở. Hầu như không có sự phân biệt khi gặp người nước ngoài, người dân còn giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn” - Mike chia sẻ.
Cơ hội mới
Dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19, nhưng anh Nguyễn Mai Lâm, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Mai Lâm vẫn gọi tôi gửi gắm: “Em biết người nước ngoài nào cần cơm ăn, chốn ở cứ gọi nhé. Dù không nhiều tiền để trả lương cao cho họ, nhưng tôi đảm bảo sẽ không để họ bị đói, bị rét. Nếu du khách nào nói được tiếng Anh cũng có thể hỗ trợ mình tại Trung tâm”.
Năm 2019, Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống nhất với người nước ngoài. Đây là thông tin được bảng xếp hạng của Báo cáo Toàn cầu HSBC’s Expat 2019 - Ngân hàng HSBC công bố dựa trên phản hồi của hơn 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là nơi dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, đặc biệt là yếu tố cân bằng cuộc sống khá cao...
Cũng theo khảo sát, Việt Nam là quốc gia có chế độ đãi ngộ cho người nước ngoài khá cao. Theo đó, 15% người nước ngoài làm việc tại đây kiếm được hơn 250.000 USD một năm, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu 7%. Đồng thời, Việt Nam cũng được đánh giá là một đất nước hòa bình, chính trị ổn định, an toàn để sinh sống và phát triển sự nghiệp.
Trung tâm Mai Lâm đang tạo nhiều việc làm cho người nước ngoài kẹt lại. Theo anh Lâm, dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để người nước ngoài ở lại hỗ trợ Trung tâm lâu hơn. “Với thế mạnh là người bản ngữ, học viên có cơ hội luyện phát âm với người nước ngoài nhiều hơn. Thật sự, chúng tôi rất biết ơn những người bạn ngoại quốc này, chính họ đang giúp mình ngay trong mùa dịch ấy chứ” - anh Mai Lâm cảm kích.
Theo anh Julian Hwang (quốc tịch Úc), ở một số quốc gia, số người chết vì mắc COVID-19 lên đến cả ngàn người mỗi ngày. Đó là chưa kể, về nước mà không có việc làm là điều khá tồi tệ. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19. “Nếu chịu khó, chúng tôi cũng có thể kiếm được việc làm và thu nhập tốt. Tôi và bạn gái quyết định sẽ ở lại đây đến khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt hơn”-Julian Hwang cho biết .
Đối với Bơ, anh đang tìm cách trả ơn Sài Gòn bằng cách dạy tiếng Anh miễn phí cho những ai có nhu cầu. Anh sáng tác nhạc và làm những dự án liên quan đến nghệ thuật. “Tôi thích món ăn Việt Nam như bún chả Hà Nội, cơm tấm, phở bò…. Tôi có thể chạy xe máy đến nhiều vùng quê của Việt Nam, giới thiệu với bạn bè quốc tế về quê hương, đất nước con người nơi đây. Tôi còn muốn làm nhiều hơn nữa như tổ chức các lớp học, giao lưu tiếng Anh với học sinh, sinh viên Việt Nam” - Bơ bộc bạch.
Còn Mike tâm sự, anh muốn lấy vợ Việt Nam và đây sẽ là quê hương thứ hai của mình. Mike vốn là tình nguyện viên đến Việt Nam để dạy tiếng Anh; chăm sóc trẻ em ở các trung tâm nuôi trẻ mồ côi; tặng thức ăn cho người già… Lần đầu tiên đến Việt Nam và kẹt lại tới giờ, nhưng Mike không thấy buồn dù có đôi chút nhớ nhà. “Là một trong những người nước ngoài mắc kẹt lại tại Việt Nam vì dịch bệnh, chúng tôi rất vui vì được trải qua khoảng thời gian khó khăn ở đất nước này. Người Việt Nam là một trong những người tốt bụng và thông cảm nhất ở Châu Á. Chúng tôi yêu đất nước và con người nơi đây” - Mike trải lòng.
Một năm trải nghiệm cuộc sống tại đây càng làm cho những người bạn ngoại quốc như Bơ, Mike, Irina Khmilnikova, Fabrice… thấy yêu cuộc sống và con người Việt Nam. Sự quan tâm, hỗ trợ của những “ông chủ” giàu tình thương như anh Mai Lâm, Trần Thiện Phương… cùng nhau trong những khoảnh khắc vui, buồn; những khó khăn trong mưu sinh làm cho mọi người sát lại gần nhau hơn, sẻ chia cho nhau nhiều hơn. Điều tuyệt vời là họ làm bằng tất cả tấm lòng của mình.