Tẩy chay

TP - Sau việc ngôi sao Hoa ngữ Thành Long (Jackie Chan) vừa phải hủy chuyến sang Việt Nam dự một sự kiện vì bị cộng đồng mạng Việt Nam tẩy chay, thì đến lượt phim Hoa Mộc Lan cũng đang bị nhiều văn nghệ sĩ Việt phản ứng. Liên quan đến quan điểm chính trị sai trái vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Thành Long cũng như Lưu Diệc Phi, nữ diễn viên chính trong bộ phim sắp công chiếu này.

Trong một diễn biến liên quan, chính Hoa Mộc Lan cũng đang bị cộng đồng mạng ở Hồng Kông tẩy chay, bởi phát ngôn mới đây của Diệc Phi về những người biểu tình Hồng Kông. Truyền thông ở Trung Quốc lập tức phê phán việc tẩy chay này, cho đây là “chính trị hóa điện ảnh”!

Nhưng khi nhà sản xuất Disney (Mỹ) tỏ ra lúng túng, đang cân nhắc đến việc phải thay nữ chính, thì tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc liền “cảnh báo”: nếu thay diễn viên chính, thì nhà sản xuất “sẽ mất 1,4 tỷ khán giả” (hàm nghĩa là toàn bộ người Trung Quốc). Cảnh báo trên không gì khác, ngoài thông điệp khẳng định tính chính trị, chứ không còn đơn thuần là câu chuyện văn hóa.

Về phương diện triết học, chính trị là sản phẩm của văn hóa. Còn trên thực tiễn, tính chất của nền văn hóa, kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội đều xuất phát từ động lực chính trị. Chúng luôn lồng ghép vào nhau, bổ sung nhau, phục vụ nhau không thể tách rời.

Phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” không phải ngẫu nhiên được lồng một cách tinh vi vào trong đó những hình ảnh “đường lưỡi bò”. Không chỉ tại Việt Nam phim này bị cấm chiếu, lãnh đạo Cục Điện ảnh mất chức, mà nó còn bị cấm chiếu tại những quốc gia đang liên quan đến biển Đông như Malaysia, Philippines. Thậm chí Philippines còn kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của hãng phim sản xuất ra bộ phim này trên toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên giáo trình tiếng Trung của Trung Quốc xuất khẩu khắp thế giới được gắn hình ảnh “đường lưỡi bò” dù “bé tí, mờ mờ” như sự việc vừa được phát hiện tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cũng như cái cách nó len vào từng tờ rơi quảng bá du lịch, vào phần mềm định vị dẫn đường của từng chiếc xe ô tô xuất xứ Trung Quốc, đến từng chiếc điện thoại… Mới đây nhất là việc phát hiện thêm “đường lưỡi bò” trong phần mềm theo dõi vận hành điện mặt trời ở phía Nam nước ta.   

Để đến lúc có thể khẳng định rằng, toàn bộ 100% hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc hiện đều cài “đường lưỡi bò”, thứ luận điệu tuyên truyền một cách tinh vi hòng hòng độc chiếm biển Đông. Chiêu cài cắm vào những sản phẩm từ văn hóa đến hàng hóa, thiết bị kỹ thuật mà phải tinh mắt mới nhận ra.

Người Trung Quốc từng tẩy chay những hãng thời trang lớn thế giới, chỉ vì cho rằng kiểu ăn mỳ Ý hay những nốt tàn nhang trên mặt người mẫu trong các mẩu quảng cáo là “xúc phạm” người Trung Hoa.

Còn chúng ta sẵn sàng chào đón những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới , cũng như bao lâu nay vẫn theo dõi, chờ đón họ trên phim ảnh, sách báo... Đó là những hình tượng, biểu tượng về văn hóa, tinh thần. Nhưng chúng ta không chào đón những thứ “biểu tượng” hai mặt. Những người vừa ủng hộ hành động phi pháp mà công luận quốc tế đều thấy rõ và phản đối, lại vừa nhân danh điều tốt đẹp cho con người.

MỚI - NÓNG