Tàu Vinalines Queen mất tích là do Nickel hóa lỏng?

Tàu Vinalines Queen mất tích là do Nickel hóa lỏng?
TP - Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Thành viên Hội Kiến trúc sư Đóng tàu & Kỹ sư Hàng hải Hoa Kỳ (VSNAME), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Biển Việt Nam về những nguyên nhân có thể xảy ra khiến tàu Vinalines Queen mất tích.

> Sau ba giờ tìm tàu mất tích, vẫn chỉ thấy dầu loang

Vinalines Queen là một trong những tàu hiện đại nhất Việt Nam
Vinalines Queen là một trong những tàu hiện đại nhất Việt Nam .
 

Thưa ông, tại sao điều đầu tiên ông nghĩ đến nguyên nhân tai nạn của tàu Vinalines Queen hôm 25-12 có thể do chở quặng?

Tàu bị tai nạn khi đang chở quặng Nickel khiến tôi nghĩ ngay đến vấn đề đó. Nhiều tai nạn đã xảy ra với tàu chở quặng. Chỉ tính hai năm gần đây, đã xảy ra năm vụ. Rob Lomas, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Vận chuyển Hàng chở xô (INTERCARGO), phải kêu lên: “Chúng ta biết rằng tất cả các chủ tàu đều quan tâm tới an toàn của người đi biển. Những gì đã xảy ra trong 39 ngày cuối năm với 44 người chết là không thể chấp nhận được”.

Ba con tàu sự cố vào cuối năm 2010 đều là tàu chở xô, tức là những tàu chở hàng không đóng bao, hàng được rót thẳng vào hầm. Ba tàu này đều cùng chở quặng nickel, cùng bốc hàng từ Indonesia, cùng treo cờ Panama nhưng ông chủ thật sự là Trung Quốc. Từ lâu, người ta đã bàn luận nhiều về thứ hàng hóa được coi là nguy hiểm này.

Tại sao chúng bị coi là nguy hiểm?

Quặng sắt hay quặng nickel bình thường được coi là thứ hàng khô ráo. Nhưng khi quặng hút ẩm, sẽ xảy ra hiện tượng hóa lỏng. Bình thường, các hạt quặng có chứa độ ẩm nhất định. Khi hàng chất đống trong mỏ được đưa tới bến tàu bằng các sà lan hay xe tải rồi từ đó chất đống lên bến cảng vào những ngày mưa gió, độ ẩm sẽ tăng rất cao.

Người ta thường khuyến cáo các thuyền trưởng phải đặc biệt chú ý tới chứng chỉ cho loại hàng này được phép chất lên tàu với giới hạn độ ẩm cho phép vận chuyển. Nhiều khi độ ẩm quặng trong thực tế vượt quá chỉ số ghi trên giấy và vượt quá mức cho phép.

Khi tàu chạy trên biển, do lắc ngang, lắc dọc, do trồi lên sụp xuống, khoảng không gian giữa các hạt quặng sẽ giảm đi, làm tăng áp suất nước tại các khe trống, và sức kháng của các hạt cũng giảm. Nếu áp suất nước tại các khe trống tăng đủ lớn, quặng sẽ đạt tới một trạng thái gọi là điểm ẩm chảy.

Số hàng quặng khô rời rạc lúc ấy sẽ chuyển sang trạng thái gần như như một chất lỏng vì lực ma sát giữa các hạt đã bị mất đi. Quá trình đó được gọi là quá trình hóa lỏng của hàng quặng. Và cái gì tới phải tới. Khi trở thành thứ hàng lỏng, có mặt thoáng tự do, hàng sẽ có xu hướng xô về một hướng khi tàu lắc và không quay trở về vị trí cân bằng ở trung tâm nữa. Khi tàu lắc tiếp, quặng lỏng tiếp tục dồn sang một bên, khiến góc nghiêng của tàu tăng nhanh. Tàu mất ổn định và lật nhào rất nhanh, nhanh đến mức không kịp phát tín hiệu cấp cứu.

Chính vì nguy cơ cao như vậy, để ngăn ngừa tai nạn, tất cả các tổ chức quốc tế như đăng kiểm, bảo hiểm, các hiệp hội nhấn mạnh phải tuân thủ triệt để Luật Quốc tế về An toàn Chở Hàng xô trong đó có những yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm cho phép.

Quặng nickel “hóa lỏng” trong hầm sà lan
Quặng nickel “hóa lỏng” trong hầm sà lan.
 

Điều tra tai nạn xong, cất vào tủ bảo hiểm

Nói như thế có nghĩa con người đã hiểu rõ nguyên nhân tai nạn các con tàu chở quặng, thưa ông?

Còn lâu chúng ta mới làm rõ được toàn bộ nguyên nhân của hiện tượng này. Tai nạn của tàu chở quặng cho tới nay vẫn còn là một vấn đề mới, đầy bí ẩn với cộng đồng hàng hải quốc tế, vẫn là một đề tài nghiên cứu của nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu. Nhiều quy định mới về luật pháp còn cần tiếp tục được bổ sung. Nhiều biện pháp phòng chống mới sẽ ra đời.

Ông đánh giá thế nào về kinh nghiệm của Việt Nam về vận chuyển quặng cũng như đóng tàu chuyên chở quặng?

Chúng ta cũng đã tiếp cận với tàu chở quặng trong việc đóng mới một loạt các tàu series Diamond 53 nghìn tấn cho nhà môi giới hàng hải Graig. Chúng ta cũng bước vào thị trường chuyên chở quặng từ lâu.

Thế những tai nạn như ông vừa kể có được mổ xẻ kịp thời không?

Người ta thường nhắc tới những tai nạn của tàu Bến Hả. Tàu Phương Đông cũng đã gặp tai nạn với thứ hàng khó tính này. Và như kỹ sư Nguyễn Viết Viên, nguyên giám đốc Đăng Kiểm Việt Nam, đã phát biểu, nhiều tai nạn, những bài học đắt giá mà chúng ta gặp thường được lưu giữ trong các đơn vị bảo hiểm. Hầu như chúng không được dùng để phân tích, nghiên cứu, học tập.

Cám ơn ông.

* Chiều 12-10-2011, tàu Vinalines Queen đã chở 54 nghìn tấn quặng nickel an toàn tới cảng Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tới chuyến thứ hai này, tàu xuất phát từ cảng Morowali (Indonesia) mà cảng đến là Ninh Đức thuộc tỉnh Phúc Kiến, một trung tâm luyện kim phía nam của Trung Quốc.

* Ngày 18-7-2009: Tàu Asian Forest chở quặng sắt bị lật tại Vịnh Bengal phía đông Ấn Độ sau khi rời cảng Mangalore; Ngày 9-9-2009: Tàu Black Rose chở quặng sắt bị lật trong thời gian rất ngắn tại bờ tây Ấn Độ sau khi rời cảng Paradip; Ngày 27-10-2010: Tàu Jian Fu Star chở quặng nickel lật tại phía nam Đài Loan sau khi rời đảo Obi Indonesia, làm 13 người thiệt mạng;

Ngày 4-11-2010: Tàu Nasco Diamond chở quặng nickel bị lật sau khi rời cảng Tahuna Indonesia, cướp đi sinh mạng 21 người; Ngày 3-12-2010: Tàu Hong Wei chở quặng nickel bị lật sau khi rời Bitung Indonesia, khiến 10 người thiệt mạng.

 

Quốc Dũng (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG