Tàu thủy đâm cầu biến dạng: Trạm điều tiết vắng bóng người, thiếu tàu làm nhiệm vụ

Cầu Tam Bạc (Hải Phòng).
Cầu Tam Bạc (Hải Phòng).
TPO - Như đã thông tin, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đang xem xét trách nhiệm của đơn vị điều tiết đường sông trong vụ tàu đâm biến dạng cầu đường sắt Tam Bạc hôm 24/10 vừa qua. Khảo sát thực địa cho thấy, hoạt động hướng dẫn, điều tiết đường sông tại đây có nhiều kẽ hở, không tuân theo quy định... 

Liên quan đến vụ việc, ngày 27/10, Công ty CP Quản lý đường sông số 8 cho hay: Công ty này ký hợp đồng với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện gói thầu điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông đường thủy nội địa khu vực số 10 (sông Đào Hạ Lý). 

Tàu thủy đâm cầu biến dạng: Trạm điều tiết vắng bóng người, thiếu tàu làm nhiệm vụ ảnh 1 Khu vực Trạm điều tiết đường sông dưới chân cầu An Đồng (Hải Phòng) cách vị trí xảy ra tai nạn hơn 1,3 km

Công ty báo cáo đã bố trí 2 loa nén tại 2 chốt điều tiết 2 đầu tuyến (ngã ba sông Đào Hạ Lý và sông Lạch Tray (dưới chân cầu An Đồng) và ngã ba sông đào Hạ Lý và sông Cấm - còn gọi là ngã ba Xi Măng) để phát thanh thông báo về quy chế đi lại, cấp kỹ thuật luồng, thực tế tĩnh không các cầu trên sông Đào Hạ Lý. Ngoài các giờ cố định trước khi mở luồng, lực lượng Trạm điều tiết khống chế đảm bảo giao thông trực tiếp trên các tàu chờ vào luồng để hướng dẫn neo chờ phương tiện an toàn; ký cam kết thực hiện quy chế đi lại, cảnh báo các nguy hiểm trên sông đào Hạ Lý.

Theo quy chế đi lại, khi bắt đầu mở luồng, lực lượng điều tiết phối hợp với CSGT để điều tiết cho các phương tiện vào luồng đảm bảo an toàn. Khi luồng được mở thông suốt, các phương tiện các phương tiện được hành trình bình thường, các phương tiện lớn được lực lượng điều tiết dùng loa cầm tay để cảnh báo về khu vực nguy hiểm trên luồng để thuyền trưởng và người điều khiển phương tiện biết. “Tại thời điểm tàu HD3599 (tàu va vào cầu đường sắt Tam Bạc hôm 24/10 - PV) hành trình qua Đào Hạ Lý, lực lượng điều tiết đã dùng loa cầm tay để thông báo cho thuyền trường về luồng bị hạn chế và chấp hành đúng quy chế đi lại qua khu vực điều tiết”, báo cáo của Cty Quản lý đường sông số 8 nêu.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, nhiều thuyền trưởng, lái tàu đều khẳng định không thấy sự hoạt động của đơn vị điều tiết hoặc thông tin phát thanh trên loa. Ngay cả ông Nguyễn Văn Hăng (thuyền trưởng tàu HD3599 đâm cầu đường sắt Tam Bạc vừa qua) cũng khẳng định, mỗi tháng đều điều khiển tàu lưu thông trên tuyến vài lượt nhưng chỉ thấy một tàu điều tiết (nằm cách cầu Tam Bạc hơn 1km). Lái tàu chỉ căn cứ vào biển báo, không thấy người, tàu thường trực, loa đài hướng dẫn, cảnh báo. "Ngay cả hôm tàu xảy ra va chạm chỉ có CSGT đường thủy ra giải quyết, xử lý, không thấy tàu và cán bộ điều tiết đường sông" - ông Hăng nói.

Theo phương án điều tiết, mỗi ca trực phải có khoảng 10 người có mặt tại các trạm điều tiết hai đầu tuyến. Tuy nhiên, ngày 7/11, ghi nhận của phóng viên tại trạm điều tiết ngã ba sông đào Hạ Lý và sông Lạch Tray (còn gọi là nga ba Niệm) đặt dưới chân cầu An Đồng cho thấy: Chỉ có duy nhất cán bộ trực tại đây. Khi được hỏi về vụ tai nạn xảy ra ngày 24/10 những ai trực điều tiết, về mực nước… người này mới chạy sang Trạm Nội Thành để kiểm tra. Sau một hồi gọi điện thoại, kiểm tra giấy tờ… vẫn không có câu trả lời và hẹn sẽ thông tin lại. Tại ngã ba sông, phóng viên cũng không thấy tàu hoạt động điều tiết như trong phương án điều tiết, ngay cả đến khoảng 18 giờ 10 phút, khi cả thành phố đã lên đèn nhưng không thấy đèn bào hiệu cấm luồng phát sáng.

Như Tiền Phong thông tin, ngày 24/10/2020, tại khu vực Km 01+600 sông Đào Hạ Lý (cầu đường sắt Tam Bạc, thành phố Hải Phòng) xảy ra vụ tai nạn đường thủy khiến cầu đường sắt Tam Bạc hư hỏng. Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (đơn vị quản lý) được giao xem xét trách nhiệm của nhà thầu (Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 8), báo cáo và có phương án xử lý. Việc các trạm điều tiết thường trực 24/24 giờ lại để cho phương tiện lớn lưu thông là có lỗi. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan đến điều tiết luồng đường thủy trong vụ tai nạn này.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.