Theo ông Quảng, đối với lô hàng hơn 5.000 tấn dầu gasoil, chủ hàng là phía công ty bên Singapore. Với nguyên tắc giao nhận hàng tại Việt Nam, nên khi hàng chưa về đến cảng chủ hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bảo hiểm cũng do phía chủ hàng chủ động mua.
“Khi xảy ra vụ việc, chủ hàng đã thuê đơn vị giám định sang Việt Nam để xác định thiệt hại lô hàng bị cướp để thực hiện bảo hiểm. Bồi thường thiệt hại về dầu là chủ hàng Singapore nhận, mình chỉ là đối tác thương mại” - ông Quảng nói.
Đối với máy móc, trang thiết bị trên tàu của Công ty cổ phần Đóng tàu thủy sản Hải Phòng như máy định vị GPS, máy bộ đàm VHF, máy nhận dạng AIS, máy đo sâu, máy trên xuồng cấp cứu của tàu, dây buộc tàu bị cướp biển phá, hủy, ông Quảng nói, phía công ty đã mua bảo hiểm tại bảo hiểm Ngân hàng BIDV. “Về thiệt hại này, công ty chỉ được trả một phần thiệt hại do cướp biển gây ra” - ông Quảng cho biết.
Đặc biệt, đối với các thủ thủ bị thương, ông Quảng cho biết, công ty cũng mua bảo hiểm P&I của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI, trị giá 15.000 USD/thuyền viên.
Tuy nhiên, theo ông Quảng đến thời điểm hiện tại chưa có kết luận nào chính thức của cơ quan chức năng, cũng như xác định của tổ chức nào về các thiệt hại do vụ cướp gây ra nên chưa có mức bồi thường thiệt hại cụ thể. “Đã xảy ra tai nạn thì bên nào cũng có thiệt hại. Thiệt hại lớn nhất của công ty là gián đoạn kinh doanh mà không có ai đền” - ông Quảng cho biết.
Đối với việc xác minh, làm rõ tàu Sunrise 689 bị cướp, ông Quảng cho biết, mọi việc đã cơ bản hoàn thành và phía công ty chờ kết quả của cơ quan chức năng.
Trước thông tin thủy thủ trên tàu “bắt tay” với cướp biển dàn dựng vụ việc, ông Quảng khẳng định đây là thông tin nhảm, ảnh hưởng đến uy tín của công ty cũng như các thuyền viên trên tàu và xúc phạm họ. “Không thể có một kịch bản hoàn hảo thế ở vùng biển nước bạn. Nói thế, các thủy thủ trên tàu là ăn cắp” - ông Quảng bức xúc.
Được biết, phía cơ quan chức năng nước ta có thể sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng Singapore để xác minh, làm rõ vụ việc liên quan.