Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc ‘bắt đầu phục vụ’ từ cuối năm nay

Tàu Type-001A
Tàu Type-001A
TPO - Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc có thể mang 36 chiến đấu cơ J-15, tức là nhiều hơn 12 chiếc so với tàu sân bay đầu tiên là Liêu Ninh. Tàu Type 001A có thể gia nhập hải quân Trung Quốc vào cuối năm nay.

Theo tờ Asia Times có trụ sở ở Hong Kong, các chuyến hải hành liên tiếp của con tàu mới đóng này trên biển Hoàng Hải trong năm nay cho thấy lễ đặt tên và phiên chế chính thức vào hải quân Trung Quốc đang đến gần.

Con tàu có thể đi vào hoạt động chính thức từ cuối năm nếu nó chưa sẵn sàng cho đợt duyệt binh lớn vào ngày 1/10, dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Mặc dù bị chế nhạo rằng trông giống hệt tàu Liêu Ninh, thuộc lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo, tàu Type 001A có thể mang nhiều hơn so với tàu đàn chị tới 12 chiếc tiêm kích, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nói.

Tàu Type 001A, ngoài việc mang nhiều máy bay hơn, còn có 4 động cơ turbine hơi nước mạnh mẽ hơn.

Hồ Văn Minh, chủ tịch tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (sở hữu nhà nước), đơn vị nhận thầu từ quân đội để đóng tàu Type 001A, nói với CCTV rằng tàu tiên tiến hơn tàu Liêu Ninh, với một loạt công nghệ mới được áp dụng để bù đắp cho khiếm khuyết của con tàu đàn chị, đặc biệt là cải thiện hệ thống truyền động, hệ thống cất cánh đường băng ngắn và thu hồi máy bay.

Ông nói thêm rằng tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và các kỹ sư của quân đội nước này đã xem xét toàn diện con tàu mới đóng và điểm ra các vấn đề phát sinh trong quá trình chạy thử.

Tàu Type-001A vẫn giữ kiểu phóng máy bay “nhảy cầu” (ski jump) nhưng tổng chiều dài dài hơn tàu Liêu Ninh 10m. Với 70.000 tấn, lượng choán nước của con tàu lớn hơn tàu tiền nhiệm 11.400 tấn.

Nó có nhà chứa máy bay (hangar) rộng rãi hơn và mặt boong có thể đủ chỗ cho 12 máy bay J-15 hoạt động, ngoài ra còn thêm 14 máy bay trực thăng. Theo chủ tịch Hồ, 2.000 nhân viên và phi công trên tàu được nghỉ ngơi trong các phòng yên tĩnh và tiện nghi hơn tàu tiền nhiệm.

Một cuộc phỏng vấn ngắn do CCTV thực hiện có vẻ như để xóa tan đồn đoán rằng tàu Type 001A gặp nhiều vấn đề hơn là “những vấn đề của mọi con tàu mới” khi cuộc đi biển thử nghiệm hồi đầu tháng 8 bị cắt ngắn và tàu phải trở về căn cứ ở Đại Liên sửa chữa khẩn cấp.

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc ‘bắt đầu phục vụ’ từ cuối năm nay ảnh 1 Tàu sân bay Liêu Ninh

Vài ngày sau đó, tàu Type 001A lại ra khơi và kết thúc chuyến đi biển thử nghiệm lần thứ 7.

Hiện nay, có vẻ Trung Quốc đang đóng con tàu sân bay thứ ba. Ít nhất thì một tàu loại này đang được tập đoàn Đóng tàu nhà nước Trung Quốc đóng ở Thượng Hải. Tàu này có vẻ giống với các siêu tàu sân bay của hải quân Mỹ, mặc dù vẫn phải sử dụng động cơ turbine hơi nước và động cơ diesel, thay vì lò phản ứng hạt nhân bố trí trên tàu như của Mỹ.

Đây được xem là điểm yếu chí mạng của tàu sân bay Trung Quốc nếu so với các tàu của Mỹ.

Một tài liệu nói tàu sân bay Type 00A sẽ tiêu thụ 1.100 tấn nhiên liệu mỗi ngày khi đi với tốc độ 37km/h, và 1.500 tấn nếu hoạt động trong tình trạng chiến đấu. Phi đội J-15 trên tàu sân bay cũng cần được cung cấp nhiên liệu và dầu bôi trơn.

Khi tàu sân bay mới ở ngoài khơi, tàu tiếp dầu, đạn dược và nhu yếu phẩm Type 903 trọng tải 23.000 tấn là nguồn cung nhiên liệu, thực phẩm và các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên với năng lực cung cấp của tàu, hải quân Trung Quốc sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu tiếp liệu, tiếp phẩm cho toàn bộ nhóm tàu sân bay hơn hai lần.

Các nhà quan sát nói giống như tàu Liêu Ninh, tàu nhóm Type 001A chỉ có thể tồn tại ngoài biển trong 6 ngày giữa các lần tiếp liệu, thời gian chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với nhóm tàu sân bay của Mỹ, vốn không cần tiếp nhiên liệu trong nhiều năm vì chạy bằng năng lượng hạt nhân.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.