“Khi nhóm tàu sân bay tác chiến của chúng tôi lên đường vào tháng tới, nó sẽ mang theo cờ của nước Anh toàn cầu – thể hiện tầm ảnh hưởng, sức mạnh của chúng tôi, sự tương tác với bạn bè và tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc giải quyết những thách thức an ninh của hôm nay và ngày mai”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.
“Vương quốc Anh không lùi bước mà tiến về phía trước để đóng một vai trò tích cực trong việc định hình hệ thống quốc tế của thế kỷ 21”, ông Wallace nói.
Nhóm tàu của Anh sẽ do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu, đánh dấu chuyến đi dài ngày đầu tiên của con tàu đồ sộ. HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất mà Anh từng đưa ra đại dương.
Tham gia nhóm này sẽ có 2 tàu khu trục, 2 khinh hạm chống ngầm, 1 tàu ngầm và 2 tàu tiếp tế, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Một tàu khu trục tên lửa của Mỹ và một tàu khu trục Hà Lan cũng sẽ tham gia với nhóm và được giao nhiệm vụ phòng không.
Sức mạnh trên không của nhóm tàu sẽ tập trung ở các máy bay chiến đấu tàng hình RAF-35B và F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ. Tất cả sẽ cất cánh từ boong tàu sân bay nặng 65.000 tấn.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nói rằng nhóm tàu sân bay Anh “sẽ là đội có năng lực mạnh nhất mà hải quân của một nước châu Âu từng triển khai trong những năm gần đây”.
Tháng 3 vừa qua, Anh công bố đánh giá toàn diện về chính sách đối ngoại và quân sự của mình, trong đó khẳng định sẽ nghiêng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.
Khi đưa ra thông báo ngày 26/4, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng hoạt động này nhằm tăng cường vai trò an ninh của Anh ở khu vực, thông qua các đợt diễn tập cùng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả lực lượng Mỹ ở khu vực.
Chuyến đi cũng nhấn mạnh quan hệ an ninh lâu đời nhất của Anh, trên nền tảng hiệp định quốc phòng với các nước Malaysia, Singapore, Úc và New Zealand. Bộ Quốc phòng Anh nói rằng đợt tập trận Bersama Lima sẽ được tổ chức để kỷ niệm 50 năm ký thỏa thuận này.
Trên hải trình đến Thái Bình Dương, nhóm tàu sân bay Anh sẽ thăm 40 quốc gia. Hải trình của nhóm sẽ đi qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương trước khi đến Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Anh chưa công bố hải trình cụ thể của nhóm tàu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng chuyến thăm dự kiến đến Singapore sẽ đưa nhóm tàu đến cửa ngõ Biển Đông và sau đó lên Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hồi tháng 3, khi được hỏi về kế hoạch triển khai nhóm tàu Anh cũng như hoạt động của quân đội Pháp trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nước này can dự vào các vấn đề khu vực với cái cớ ‘tự do hàng hải’ và gây tổn hại cho lợi ích chung của các nước trong khu vực”.
Nhóm tàu của Anh dự kiến sẽ đi qua phía đông đảo Đài Loan, khu vực đang căng thẳng vì các bên gia tăng hoạt động quân sự.