Theo các thông tin về thiết kế dự án, mỗi đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có 4 toa, sức chứa tối đa 1.326 người. Lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người mỗi ngày.
Tàu có tốc tối đa 80 km/giờ. Với chiều dài 13,05 km (đường sắt đôi, khổ 1,435m), dừng tại 12 nhà ga, thời gian chạy từ Cát Linh đến Hà Đông gần 24 phút.
Thông tin từ đại diện Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) ngày 22/2 cho hay, để vận hành 13km tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ có trên 600 nhân lực (khoảng 50 người phục vụ 1km).
Trong hơn 600 nhân lực này có hơn 400 người được đào tạo trong nước, 200 người được cử sang Trung Quốc, gồm lái tàu, nhân viên trung tâm điều độ, nhân viên trung tâm ga, sửa chữa tàu, ga, đường ray… Trong 37 lái tàu được đào tạo tại Trung Quốc. Chi phí để đào tạo 600 người này nằm trong kinh phí của dự án. Đại diện Ban quản lý dự án cho hay, công tác đào tạo này đã cơ bản hoàn tất.
Clip 3D về dự án Cát Linh - Hà Đông. Nguồn: Ban Quản lý dự án
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD. Trong đó, vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Sau đó, dự án được điều chỉnh tổng mức lên 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD. Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng, dự án liên tục bị lùi tiến độ.
Theo kế hoạch mới nhất của Bộ GTVT, dự án sẽ chạy thử từ 1/10 tới. Thời gian chạy thử kéo dài từ 3-6 tháng (phụ thuộc vào kết quả chạy thử) trước khi đưa vào vận hành khai thác thương mại.
Tối nay tiếp tục đưa 2 toa tàu còn lại lên đường ray
Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt vừa cho hay, từ 22h tối nay 22/2, các đơn vị thi công sẽ tiến hành công tác chuẩn bị để đưa toa tàu từ bãi tập kết về điểm ga La Khê, phần cẩu lắp sẽ được triển khai vào lúc 0 giờ ngày 23/2.