Tàu chở hàng gần 9.000 tấn chìm: Gần 180 tấn dầu sẽ xử lý thế nào?

Lực lượng chức năng được huy động đến thu gom lượng cặn dầu trên cát để đem đi xử lý
Lực lượng chức năng được huy động đến thu gom lượng cặn dầu trên cát để đem đi xử lý
TPO - Hiện Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đang phối hợp cùng lực lượng chức năng thu gom lượng dầu đọng trên cát để xử lý, đồng thời cử thợ lặn ra khu vực đảo Sơn Dương để khảo sát tình hình .

Liên quan đến vụ tàu chở hàng trọng tải gần 9.000 tấn chìm ở Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh), ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng thu gom lượng dầu đọng trên bờ cát và đưa đến nhà máy xử lý bằng nhiệt lên đến 1.200 độ C, đồng thời cử người ra đảo Sơn Dương để khảo sát tình hình.

 Ông Sơn cho hay, hai tàu lớn của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc đã ra vị trí tàu đắm để  khảo sát, tuy nhiên do thời tiết xấu nên việc quây phao chống dầu lan đang gặp nhiều khó khăn.

Tàu chở hàng gần 9.000 tấn chìm: Gần 180 tấn dầu sẽ xử lý thế nào? ảnh 1 Lượng cặn dầu dạt vào bờ biển xã Kỳ Lợi.

“Trên tàu có gần 180 tấn dầu FO và DO. Hiện do thời tiết xấu nên chưa xác định được hướng tàu chìm, khi thợ lặn kiểm tra mới xác định rõ. Ngoài ra thời tiết làm ảnh hưởng đến việc quây phao chống lan dầu, cần tính đến phương án dầu tràn đến đâu, xử lý đến đó”, ông Sơn nói.

Về ảnh hưởng của tình trạng dầu tràn ra ngoài, ông Sơn cho hay khu vực nơi xảy ra sự cố không có nuôi trồng thủy, hải sản mà chủ yếu là cảng và rừng ngập mặn nên khả năng chưa ảnh hưởng nhiều. Còn hiện tại phần chịu ảnh hưởng nhất là dải cát dài hơn 3 km dọc bờ biển xã Kỳ Lợi, có các lớp cặn dầu dạt vào, nếu không thu gom sẽ gây ô nhiễm.

“Khi thu gom lượng dầu trên cát sẽ đưa đi đốt ở nhiệt độ hơn 1.200 độ C. Việc hút gần 180 tấn dầu còn lại trong các hầm chứa của con tàu chìm dưới biển là vấn đề cấp bách, tuy nhiên chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng cũng như thời gian xử lý sự cố”, ông Sơn nói.

Trao đổi vể vấn đề này, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho hay, cơ bản phần dầu loang dọc trải bờ biển xã Kỳ Lợi cơ bản đã được khống chế. Qua khảo sát hiện tại chưa thể đánh giá các vệt cặn dầu dọc bờ biển có ảnh hưởng đến môi trường, kinh doanh của các hộ dân xung quanh hay không.

Tàu chở hàng gần 9.000 tấn chìm: Gần 180 tấn dầu sẽ xử lý thế nào? ảnh 2 Lượng dầu trôi dạt vào bờ biển xã Kỳ Lợi khoảng 3km.

"Với 178 tấn dầu trong tàu, các đơn vị đang quây phao để nhóm thợ lặn kiểm tra, lắp các ống dẫn và dùng máy bơm công suất lớn đưa dầu ra ngoài. Dự kiến hoàn thành trong khoảng nửa tháng", ông Thành thông tin.  

Trước đó, vào khoảng 4h ngày 28/11, khi đang trên đường vào cảng biển Vũng Áng – Sơn Dương (Hà Tĩnh) tàu Nordana Sophia, có trọng tải gần 9.000 tấn, quốc tịch Thái Lan bất ngờ xảy ra sự cố bị thủng mạn tàu, nước tràn vào buồng máy nhanh khiến tàu bị nghiêng và chìm. Vị trí tàu gặp sự cố được xác định ở 18 độ 07“58 vĩ độ Bắc và 106 độ 29”40 kinh độ Đông. Trên tàu lúc đó có tất cả 18 thuyền viên đều mang quốc tịch Thái Lan. 

May mắn được phát hiện kịp thời nên lực lượng chức năng đã cứu thành công các thuyền viên lên bờ. Sau đó, dọc bờ biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, dài hơn 3 km xuất hiện vết cặn dầu loang lổ. Trong ngày 30/11, lực lượng chức năng đã huy động trên 100 người tiến hành thu gom lượng cặn dầu trên bờ biển này để tránh ảnh hưởng môi trường.

MỚI - NÓNG