Tàu chiến Nhật Bản treo lá cờ gây tranh cãi cập cảng Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay, một tàu chiến của Nhật Bản cập cảng Hàn Quốc để tham gia đợt tập trận hàng hải đa quốc gia. Hình ảnh con tàu treo Húc Nhật kỳ (quân kỳ Nhật Bản) khiến người Hàn Quốc nhớ giai đoạn đau thương, khi bán đảo Triều Tiên bị chiếm đóng.
Tàu chiến Nhật Bản treo lá cờ gây tranh cãi cập cảng Hàn Quốc ảnh 1

Quân kỳ Nhật Bản là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Tàu khu trục lớp Asagiri JS Hamagiri của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cập cảng Busan với lá cờ mặt trời mọc, trước khi tham gia chương trình tập trận Eastern Endeavour 23 nhằm củng cố năng lực ngăn chặn và đối phó tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhật Bản cùng Mỹ, Úc, Canada, Singapore và Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận trong vùng biển quốc tế gần đảo Jeju trong ngày 31/5, một ngày trước khi khai mạc Diễn đàn Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhiều người Hàn Quốc gắn hình ảnh quân kỳ Nhật Bản với danh sách dài những tội lỗi mà Nhật Bản gây ra trong giai đoạn chiếm đóng bán đảo, từ năm 1910 – 1945, cho rằng đó là dấu hiệu Tokyo không bao giờ giải quyết đúng đắn và trung thực vấn đề quá khứ.

Quân kỳ Nhật Bản là một trong nhiều vấn đề ngoại giao nhạy cảm giữa hai nước. Dưới thời chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in, Hải quân Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Nhật Bản không treo quân kỳ trong chương trình duyệt binh hạm đội quốc tế năm 2018, khiến Tokyo rút khỏi sự kiện này.

Phát biểu với báo chí tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyu cho biết lần này sẽ không nêu vấn đề về lá cờ, nhấn mạnh rằng việc treo cờ nhận dạng khi đi vào cảng biển của nước khác là “việc đúng theo thông lệ quốc tế”.

Tokyo duy trì quan điểm rằng các tàu chiến của họ có nghĩa vụ treo quân kỳ và quốc kỳ, theo quy định của hiệp ước hàng hải quốc tế để thể hiện quốc tịch của tàu.

Bảy tàu chiến và 6 máy bay sẽ được huy động cho chương trình tập trận lần này. Một quan chức của Seoul khẳng định, cuộc tập trận không nhằm vào quốc gia cụ thể nào. Tuy nhiên, Triều Tiên luôn là mối lo lớn nhất của Seoul về vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo Korea Times
MỚI - NÓNG