Tàu chiến Anh, New Zealand cùng tiến vào Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Tàu HMNZS Te Kaha của New Zealand trong một cuộc tập trận gần Philippines Ảnh: NZDF
Tàu HMNZS Te Kaha của New Zealand trong một cuộc tập trận gần Philippines Ảnh: NZDF
TP - Nhóm tàu sân bay Anh và tàu hộ vệ New Zealand đang hội quân ở Biển Đông, chuẩn bị tham gia đợt diễn tập lớn gần Singapore. Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động trên Biển Đông cần vì lợi ích chung.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 7/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến trên biển đông. Bà Hằng cho biết, chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động và hợp tác trên biển của các quốc gia cần tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đóng góp có trách nhiệm vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia về thượng tôn pháp luật, nhất là UNLCOS 1982, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở Biển Đông.

Trước đó, ngày 6/10, báo chí New Zealand đưa tin một tàu hộ vệ của nước này đã tham gia với nhóm tàu sân bay Anh để thực hiện chuyến đi qua Biển Đông và tham gia cuộc tập trận Bersama​ Gold 21. New Zealand nhiều lần nêu quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Hồi tháng 8, nước này đệ trình một tuyên bố lên Liên Hợp Quốc để nêu rõ quan điểm pháp lý về những tranh chấp trên Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS 1982. Công hàm của New Zealand cũng nhấn mạnh rằng, cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố không có cơ sở về luật quốc tế.

Bersama ​Gold 21 diễn ra từ ngày 4-18/10, với sự tham gia của 2.600 binh lính từ các quốc gia thuộc Thoả thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA), Straitstimes dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Singapore. Ra đời năm 1971, FPDA có 5 thành viên gồm Singapore, Malaysia, Úc, New Zealand và Anh. Chương trình năm nay sẽ bao gồm các bài tập “không tiếp xúc” diễn ra ở phía nam Biển Đông, thuộc hải phận quốc tế. 10 tàu chiến, 1 tàu ngầm, 6 trực thăng, 3 máy bay tuần tra biển và 25 máy bay chiến đấu sẽ tham gia các bài tập phòng không và chống ngầm, bắn súng và diễn tập cơ động.

Chuẩn bị mở cửa đón du khách

Trả lời câu hỏi đề nghị cập nhật việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin” và kế hoạch tiếp nhận trở lại khách du lịch của Việt Nam, bà Hằng nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, có nghĩa là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, chiến lược “Hộ chiếu vắc-xin”, “Thẻ xanh sức khỏe” hay “Giấy chứng nhận sức khỏe số” được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận và sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là về loại vắc-xin, theo đó Việt Nam chấp nhận các loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL Việt Nam đang phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là triển khai thí điểm ở Phú Quốc thời gian tới.

Nhiều quốc gia đang chạy đua đặt mua Molnupiravir, một loại thuốc uống chữa COVID-19 của hãng dược Mỹ Merck, sau khi loại thuốc này cho kết quả khả quan trong thử nghiệm lâm sàng. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết Việt Nam có kế hoạch tìm kiếm nguồn cung thuốc Molnupiravir hay không, bà Hằng cho biết, xác định thuốc điều trị và vắc-xin là những giải pháp quyết định để kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã sớm chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tìm hiểu tình hình phát triển các loại thuốc điều trị trên thế giới, thông tin và hỗ trợ Bộ Y tế tìm kiếm các loại thuốc tiềm năng, được đánh giá là có hiệu quả cao để xem xét nghiên cứu và thử nghiệm tại Việt Nam. Việc tiếp cận nhập khẩu và hợp tác sản xuất thuốc điều trị COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việt Nam lên tiếng về phim Trung Quốc xuyên tạc lịch sử

Trung Quốc gần đây công chiếu trailer phim “Quân đội Vương Bài” với những chi tiết xuyên tạc lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam giai đoạn thập niên 1980.

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với trailer bộ phim này, bà Hằng nói, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý đến thông tin này. Bà Hằng khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan, có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới. “Chúng tôi cũng đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố quan hệ xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ giữa hai nước”, bà Hằng nói.

MỚI - NÓNG