Tất bật in sao đề thi THPT 2018

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017 tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017 tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Chỉ còn khoảng chục ngày nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018 (24 - 27/6). Thời điểm này, các địa phương đang ráo riết chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất lẫn tập huấn giám thị. Đặc biệt, công tác in ấn, bảo vệ, vận chuyển đề thi sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt cho đến khi kết thúc môn thi cuối cùng.

In sao đề là khâu “cân não” nhất

Tuy không phải năm đầu tiên Bộ GD&ĐT giao cho các sở chủ trì tổ chức thi THPT quốc gia tại địa phương, nhưng khâu in ấn và bảo vệ đề thi vẫn được coi là công việc “cân não” nhất, bởi có tới 8 môn thi với 24 mã đề/môn. Theo lãnh đạo các sở, công đoạn in sao, bỏ túi đề để niêm phong chỉ cần sơ suất một lỗi nhỏ, kết quả sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi THPT quốc gia trên cả nước. Vì vậy, các địa phương phải lên phương án rất kỹ cho việc này. Thậm chí, có người cho rằng, Bộ GD&ĐT nên thành lập các trung tâm in ấn đề thi tập trung theo từng vùng tại một trường ĐH nào đó có kinh nghiệm. Các địa phương sẽ cử lực lượng phối hợp đến trung tâm lấy đề để giảm bớt áp lực, căng thẳng.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiết lộ, đề thi được bảo vệ qua nhiều vòng chặt chẽ. Năm nay, đơn vị cử khoảng 20 cán bộ tham gia vòng 1 cũng là vòng trong cùng trực tiếp in sao, bỏ đề vào túi niêm phong. Cũng theo ông Trung, vì đề thi nhiều môn, mỗi môn lại có 24 mã đề khác nhau nên những người tổ chức thi ở địa phương lo nhất là sai sót về mặt kỹ thuật trong in sao và đóng gói đề.

Ngoài các địa phương tự tổ chức sao in đề thi như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hòa Bình, Quảng Ninh... thì tại các thành phố lớn, nơi các trường ĐH có kinh nghiệm nhiều năm về việc sao in đề, đều được các Sở GD&ĐT tin tưởng phối hợp để in sao đề. Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận nhiệm vụ in sao đề cho toàn bộ cụm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội.

 Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, ĐH Bách khoa có kinh nghiệm sao in đề từ năm trước cho kỳ thi, cơ sở vật chất, máy móc để phục vụ việc in ấn có chất lượng cao, được chuẩn bị thấu đáo cũng như có độ bảo mật tuyệt đối. Tại nơi in sao đề, lực lượng vòng trong bị cách ly hoàn toàn theo nguyên tắc: những gì đã đưa vào trong không được đưa ra ngoài. Kể cả đề in sai, in lỗi đều bị hủy và niêm phong trong các túi cho đến khi kết thúc kỳ thi. Các lực lượng như thanh tra Sở GD&ĐT, Công an PA83, công an phường quận... túc trực 24/24h để đảm bảo an toàn cho đề thi. Năm nay, Hà Nội có 80.000 thí sinh dự thi với 123 điểm thi.

Chiều qua, 13/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, cuối tuần trước, trường đã ký hợp đồng in sao đề thi với Sở GD&ĐT Hà Nội. Theo đó, bắt đầu từ hôm nay, 14/6, trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu in sao đề thi THPT quốc gia cho toàn cụm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội. Để đáp ứng đúng thời gian in sao theo yêu cầu, ông Điền cho hay nhà trường phải thuê 9 máy in siêu tốc với tốc độ 120 trang/phút và tăng giờ làm đêm để muộn nhất 1-2 ngày trước thời điểm thí sinh làm thủ tục, công tác in sao sẽ hoàn tất. Ngoài 1 máy in năm nay tăng thêm, trường còn bố trí hai máy dự phòng. Các nhân viên in sao thường xuyên làm việc liên tục từ 7h30 đến 22h.

Đối với công tác bảo mật đề thi, ông Nguyễn Phong Điền cho hay trường bố trí một khu vực rộng để tổ chức in sao, cách ly ba vòng độc lập, có nhân viên an ninh túc trực 24/24h. Tất cả các thiết bị có thể thu, phát tín hiệu được thu giữ, để bên ngoài. Ở các vòng đều có cán bộ công an Hà Nội túc trực.

Ngoài ra, theo ông Điền, trường đã làm việc  với Điện lực Hà Nội đề nghị không cắt điện vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nếu sự cố mất điện vẫn xảy ra, trường đã bố trí 2 máy phát điện để chắc chắn chỉ sau 5-10 phút nguồn điện sẽ được cấp lại.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, Bộ đã triển khai nhiều biện pháp để kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc. Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT thì đề thi, hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Vì vậy, khâu ra đề thi, sao lưu được bảo vệ nghiêm ngặt. Các thành viên tham gia làm đề đều phải cách ly hoàn toàn.

Điểm sàn phải trên 10 điểm

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, ông Trần Anh Tuấn, cho biết năm nay Bộ không yêu cầu phải có ngưỡng điểm chung trong toàn hệ thống, nhưng Bộ sẽ theo dõi rất sát việc công bố của từng trường. Các trường phải công bố điểm trước ngày 19/7 để thí sinh căn cứ trên điểm thi điều chỉnh nguyện vọng. Trường nào công bố quá thấp, ví dụ 3 môn dưới 10 điểm sẽ có chế tài cụ thể. Bộ sẽ công bố rộng rãi danh sách các trường có điểm “sàn” quá thấp để cảnh báo. Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, có một số trường ĐH đã không quy định ngưỡng điểm sàn khi nhận hồ sơ xét tuyển hoặc đưa ra mức điểm sàn rất thấp khiến dư luận băn khoăn về chất lượng đầu vào. Chính vì vậy, theo ông Trần Anh Tuấn, Bộ sẽ theo dõi rất sát vấn đề điểm sàn của các trường và sẽ có chế tài nếu các trường vi phạm.

Bên cạnh điểm sàn thấp, thời gian qua một số trường ĐH đã đưa tổ hợp lạ vào xét tuyển. Không chỉ tổ hợp lạ mà các tổ hợp này còn tréo ngoe so với ngành đào tạo như kỹ thuật ô tô tuyển sinh tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân... Theo ông Trần Anh Tuấn, sau khi báo chí phản ánh, Bộ GD&ĐT cũng đã  tiến hành thanh tra trực tiếp, một số trường đã thay đổi. Tuy nhiên,  một số trường vẫn duy trì với lý do trong 4 tổ hợp xét tuyển thì đó chỉ là tổ hợp phụ. Nhưng quy chế quy định rất rõ, tổ hợp xét tuyển phải được xây dựng phù hợp với bản chất ngành. Trong trường hợp này các trường đang vi phạm quy chế và sẽ có biện pháp xử lý.

“Việc đưa đồ ăn hay vận chuyển bổ sung vật tư in ấn vào khu vực lõi đều có công an kiểm tra, giám sát. Rác thải trong khu vực in sao đề chỉ được chuyển ra bên ngoài sau khi kết thúc kỳ thi”.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, ĐH Bách khoa Hà Nội

MỚI - NÓNG