Tập trận Mỹ - Ấn và nguy cơ xung đột với Trung Quốc đồng thời từ hai phía

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) trở thành tâm điểm chú ý quốc tế, sự hỗ trợ liên tục của Washington dành cho Đài Bắc không phải lý do duy nhất khiến Bắc Kinh phải lo lắng.

Quân đội Mỹ sắp tham gia đợt tập trận trên núi cao cùng Ấn Độ, ở khu vực cách biên giới tranh chấp với Trung Quốc chưa đầy 100km. Theo giới phân tích, thời điểm và vị trí diễn ra đợt tập trận là nhằm gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến lãnh đạo Trung Quốc.

Đợt tập trận dự kiến diễn ra từ ngày 18-31/10 trên núi Himalaya, trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục căng thẳng ở khu vực dọc đường kiểm soát thực tế, tức biên giới phi chính thức kéo dài 4.057km giữa hai nước.

Đợt tập trận Yudh Abhyas diễn ra gần huyện Auli ở Uttarakhand, một bang giáp với vùng Tây Tạng. Đây là nơi New Delhi nhiều lần tố binh lính Trung Quốc xâm phạm vào đất của Ấn Độ.

Cuộc tập trận Yudh Abhyas bắt đầu được triển khai từ năm 2002. Đợt gần đây nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái tại Alaska, bao gồm các bài huấn luyện leo núi, sử dụng vũ khí và sinh tồn trong điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.

Đợt tập trận sắp tới sẽ là cuộc thứ hai được tổ chức ở Ấn Độ, sau khi quân đội Trung Quốc kiểm soát một dải đất rộng ở vùng Ladakh, nơi New Delhi tuyên bố là đất của họ.

Sau khi quân Trung Quốc tiến vào, hàng loạt vụ bạo lực xảy ra giữa hai bên vào tháng 5 và 6 năm 2020 ở Đông Ladakh, dẫn đến việc cả hai bên tăng cường lực lượng thêm hàng chục ngàn binh lính ở nhiều vị trí dọc biên giới tranh chấp. Căng thẳng vẫn kéo dài đến tận bây giờ, dù hai bên đã tiến hành 16 cuộc đàm phán cấp chỉ huy.

Về danh nghĩa, Yudh Abhyas năm nay sẽ không khác nhiều các đợt trước đây, khi lực lượng hai bên tiếp tục huấn luyện nâng cao năng lực phối hợp và sẵn sàng triển khai chiến dịch.

Tuy nhiên, trong tình hình đối đầu căng thẳng trên Himalaya và cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, cả vị trí và thời điểm cuộc tập trận năm nay được cho là đều mang ý nghĩa địa - chính trị quan trọng.

Kịch bản tồi tệ nhất

Jaganath Sankaran, một chuyên gia về Nam Á tại Viện Brookings, cho rằng vị trí được chọn năm nay gửi đến Trung Quốc tín hiệu về sự quyết tâm.

“Trong đàm phán để tháo ngòi tình thế đối đầu căng thẳng ở biên giới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc bình thường hoá, còn Ấn Độ quyết khôi phục nguyên trạng trước bất kỳ bình thường hóa chính trị - quân sự nào. Đợt tập trận sắp tới có thể là một cách để các chỉ huy quân đội Ấn Độ nhấn mạnh rằng vấn đề biên giới sẽ vẫn nghiêm trọng cho đến khi hai bên tìm được giải pháp chấp nhận được”, ông Sankaran nói.

Jonah Blank, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Ấn tại ĐHQG Singapore, cho rằng từ quan điểm của Ấn Độ, hàm ý của cuộc tập trận này là nếu quân đội Trung Quốc định lặp lại hành động mà New Delhi coi là xâm phạm vào đất của họ, Ấn Độ sẽ hợp tác nhiều hơn với Mỹ.

Từ quan điểm của Washington, thông điệp hàm ý cũng tương tự, cộng với kỳ vọng rằng Ấn Độ sẽ tham gia nếu xung đột xảy ra ở Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Biển Đông.

Khi căng thẳng leo thang nhanh chóng ở Đài Loan (Trung Quốc), kịch bản tồi tệ nhất là Bắc Kinh sẽ tấn công đồng thời trên hai mặt trận với Đài Bắc và New Delhi, cả hai nơi đều sẽ nhận được hỗ trợ quân sự của Mỹ và có thể cả đồng minh của Washington.

Từ quan điểm của Trung Quốc, đợt tập trận sắp tới có thể được cho là cách Washington tìm kiếm một mặt trận nữa để chống lại các hành động của Bắc Kinh ở khu vực.

Theo Japan Times
MỚI - NÓNG