Tập huấn cho cán bộ 14 tỉnh, thành về đối ngoại và nhân quyền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 7/8, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền cho lãnh đạo, cán bộ tại 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030, thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; một số nhiệm vụ, giải pháp lớn trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu cũng được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.

Tập huấn cho cán bộ 14 tỉnh, thành về đối ngoại và nhân quyền ảnh 1

Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 diễn ra ngày 7/8 tại tỉnh Hoà Bình. (Ảnh: Thu Loan)

Công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền có vai trò quan trọng khi Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cùng với việc đảm nhiệm trọng trách trên bình diện quốc tế, đặc biệt là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2023-2025) và tái ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028, tạo ra những thời cơ đan xen những thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị 14 địa phương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tập trung thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về bề dày lịch sử, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, về truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia.

14 địa phương cũng cần thông tin về những nỗ lực, thành tựu trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người nói chung và quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác cung cấp thông tin về những nỗ lực, thành tựu đó cũng cần đổi mới, sáng tạo về phương thức, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Việc bảo đảm quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và bảo đảm, nêu trong các văn kiện pháp lý quan trọng nhất của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc Đổi mới toàn diện.

Trên thế giới, hầu hết các nước xác định nhân quyền là nội dung quan trọng trong chính sách quốc gia, chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại.

Dù chia sẻ các giá trị chung về quyền con người, quan điểm của các nước còn tương đối khác nhau trong các vấn đề cụ thể, do đó việc tập hợp lực lượng giữa các nước tại các diễn đàn đa phương trên vấn đề quyền con người là khá phức tạp, có thể thay đổi theo từng lĩnh vực, từng quyền hoặc khía cạnh.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề mới nổi lên như: Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số; biến đổi khí hậu và quyền con người; quyền môi trường… cũng tạo nên những tập hợp lực lượng rất đa dạng. Điều này đòi hỏi mỗi nước cần có cách xử lý linh hoạt dựa trên việc xác định rõ lợi ích quốc gia, dân tộc trên từng vấn đề.

Việt Nam chủ động tham gia tích cực tất cả các diễn đàn Liên Hợp Quốc về quyền con người. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, với 8 lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hợp tác.

Việt Nam đã chủ động có nhiều đóng góp thực chất với các sáng kiến cụ thể, được đông đảo các nước trên khắp các khu vực ủng hộ như: khởi xướng Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna (2023); tổ chức Tọa đàm quốc tế về chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc; giới thiệu Nghị quyết hằng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người hằng năm; tổ chức các Tọa đàm với chủ đề bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương…

MỚI - NÓNG