Tập đoàn Vingroup, BRG, T&T...kiến nghị gì khi đối thoại với Bí thư Hà Nội?

TPO - Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, tất cả các loại hình kinh doanh đều gặp khó khăn, nhiều đơn vị thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. 

Chiều 16/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế Thủ đô với sự tham dự của trên 65 đơn vị đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, nhiều công ty, tập đoàn lớn...

Thua lỗ nghìn tỷ

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, dịch COVID-19 khiến tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt các lĩnh vực kinh doanh như du lịch, khách sạn, sân golf, xuất khẩu. Đến nay, thiệt hại lên đến gần 1 nghìn tỷ, hơn 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.

Bà Nga đề xuất, thành phố hỗ trợ đảm bảo an ninh cho các siêu thị, chuỗi bán lẻ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong thời gian diễn ra dịch bệnh; cấp giấy phép cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân..

Bà Nga cũng đề nghị, với lĩnh vực khách sạn, dịch vụ cần nhanh chóng cho mở cửa trở lại, ví dụ như có thể quy định nhóm chơi golf không quá 8 người và giữ khoảng cách 2 mét để tạo nguồn thu, tránh lượng lớn lao động bị mất việc.

Chủ tịch tập đoàn BRG cũng đề nghị nhiều nội dung như giảm mức thuế doanh nghiệp, thay đổi cách hạnh toán phí dịch vụ, giảm mức thuế giá trị gia tăng…

Bà Nga cũng mong muốn đẩy nhanh một số dự án trên địa bàn thành phố, tạo cú hích phát triển, tuy nhiên, một số dự án của đơn vị hiện gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư, thậm chí, có dự án “cây trồng bên trong đã sắp thành cổ thụ rồi mà chưa được triển khai”.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp rất mong mỏi các giải pháp hỗ trợ quyết liệt của thành phố, cụ thể từng bước, có tiêu chí, quy trình để đúng, trúng, kịp thời cho các doanh nghiệp, nếu chậm thì nguy cơ sụp đổ rất cao.

Theo ông Hiển, do tác động của COVID-19, các doanh nghiệp gặp cả khó khăn đầu vào lẫn đâu ra. Nếu không thay đổi, kể cả sau khi kết thúc dịch bệnh vẫn không phát triển được vì chủ yếu phụ thuộc vào một vài thị trường.

Ông Hiển kiến nghị, thành phố nên tận dụng tối đa một số quỹ như Xúc tiến thương mại và đầu tư… để hỗ trợ các doanh nghiệp, một mặt chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi quản lý…

Thành phố cũng nên kiến nghị Chính phủ giảm các loại thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh việc hoàn thiện các cụm, khu công nghiệp để doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu các mặt hàng như khẩu trang ra nước ngoài khi đáp ứng đủ được nhu cầu trong nước…

Ông Hiển cũng cho rằng, doanh nghiệp đang gặp thách thức nhiều về thủ tục hành chính, quy trình trong nhiều lĩnh vực, nếu kể thì cả tuần cũng không hết, dẫn đến nhiều dự án sản xuất kinh doanh không triển khai được. Thậm chí, có dự án tồn hơn 10 năm, có dự án thủ tục pháp lý đã được 2/3 rồi nhưng 1/3 còn lại thì lại ách tắc.

Đại diện Central Group, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho rằng, đơn vị đã đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân, bình ổn giá, giúp tiêu thụ các sản phẩm ùn ứ không xuất khẩu được trong thời điểm dịch COVID-19. Đơn vị cũng đối mặt nhiều khó khăn khi hệ thống siêu thị Big C có doanh số giảm 60%, đến tháng này bắt đầu thua lỗ.

Dù thế, Central Group chỉ mong muốn làm thế nào cắt giảm các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp FDI thuận lợi trong kinh doanh. Vị này nêu thực tế, có những dự án từ thời gian tìm hiểu thủ tục đến lúc triển khai mất 3 – 4 năm.

“Cần giảm bớt giấy phép con. Nhiều khi dài đến vài trang giấy, rất khó khăn cho doanh nghiệp FDI. Chúng tôi hiện đang làm một số dự án, nhưng thời gian chờ đợi mất đến 3 – 4 năm”, vị này nói.

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, với việc kinh doanh đa ngành, lĩnh vực nào cũng bị thiệt hại vì COVID-19 từ sản xuất ô tô xe máy; dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; dịch vụ bất động sản; dịch vụ kinh doanh tại các trung tâm thương mại; dịch vụ thể thao…

Cụ thể, do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, tập đoàn thiếu linh kiện sản xuất, do đó sản xuất ô tô xe máy bị ngưng trệ, lỗ trên 10 nghìn tỷ.

Các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, sân golf... hoạt động cầm chừng, lỗ trước thuế khoảng 3 nghìn tỷ. Phải đóng cửa một số trung tâm thương mại vì loại hình kinh doanh không phù hợp trong dịch COVID-19. Giải đua F1 dù đầu tư nhiều nhưng bị hoãn, phải hoàn trả vé cho người mua. Lĩnh vực giáo dục cũng đóng cửa toàn bộ các trường, xây dựng chương trình học trực tuyến, nhưng không thu phí.... 

Đại diện tập đoàn đề xuất Chính phủ được miễn, giảm nhiều loại tiền thuê đất, thuế tiêu thụ sản phẩm đặc biệt. Với thành phố Hà Nội, Tập đoàn mong muốn được hỗ trợ về thủ tục hành chính.

Đảm bảo không có nhũng nhiễu

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố luôn ủng hộ các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong phòng chống COVID-19.

Ông Chung khẳng định, trong vài năm trở lại đây, thành phố đã cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp, rà soát lại, đã có 82% dịch vụ công đạt mức độ 3 và 4. Còn 230 dịch vụ sẽ phấn đấu hoàn thành cấp độ 4 trong tháng 4.

“Tuy nhiên trong lĩnh vực này, cũng ghi nhận ý kiến các đại biểu về vấn đề quá trình thẩm định của các sở ngành trong thời gian qua chưa được thông suốt, vẫn còn chậm, thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc”, ông Chung nói.

Ông Chung cho biết, với những kiến nghị lên Thủ tướng, thành phố sẽ tập hợp, báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng với thành phố trong tuần tới.

Liên quan đến tình hình COVID-19, ông Chung cho rằng, qua kinh nghiệm từ các nước, nếu áp dụng biện pháp triệt để, mạnh mẽ, không để dịch tràn lan thì sau này cơ hội phát triển kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn.

“Chứ đừng nhìn vào thời gian hiện nay mà sốt ruột. Phương án tối ưu nhất là sau khi phát hiện người bị dịch cuối cùng vẫn phải tiếp tục cách ly triệt để thêm 2 tuần, sau đó mới mở cửa từ từ. Bài học từ các thành phố trên thế giới thì cơ hội để phục hồi về kinh tế còn rất lâu, chưa biết lúc nào”, ông Chung nói, đồng thời mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với các biện pháp chống dịch của thành phố.

“Chúng ta đã đi được 13 tuần, cần đi tiếp 3 tuần nữa để giải tỏa từ từ, để phát triển theo tinh thần như Thủ tướng nói, lúc đó lò xo kinh tế bật căng trong tư thế thoải mái chứ không phải gò bó và liên tục phải cảnh giác. Nếu thế, năng lực sản xuất sẽ không triệt để và không phát huy hết”, ông Chung nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, đối thoại với doanh nghiệp, thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố được kích hoạt, thông suốt. "Đầu tư công và tư nhân hiện nay là cứu cánh của thành phố", ông Huệ khẳng định.

Ông Huệ cho rằng, cuộc đối thoại để tìm ra một công thức “win – win”, các doanh nghiệp hiến kế cho thành phố để vượt qua khó khăn này, duy trì đà tăng trưởng, nạp năng lượng để vượt qua đại dịch, góp sức bật cho lò xo kinh tế tăng trưởng trở lại. Với truyền thống người Việt Nam càng khó khăn càng quật khởi, trong "cái khó phải ló cái khôn", ông Huệ cũng yêu cầu UBND thành phố phải thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như mệnh lệnh trong thời chiến...

“Thành phố cam kết chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai kịp thời minh bạch, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, không có nhũng nhiễu. Tôi đã cảnh báo, tuyệt đối không cho phép có một tiêu cực nào trong bộ máy khi vận hành những cơ chế chính sách. Nếu cán bộ nào vi phạm coi như tăng nặng, xử lý rất nghiêm.”

MỚI - NÓNG