> 'Nợ xấu ngân hàng có một phần của tổng công ty nhà nước'
Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 15-6, chuyện của Vinashin, Vinalines… tiếp tục được ĐBQH nhắc đến để nói về trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Đặc biệt phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân trong hành động của mình, lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, thực thi công vụ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tham nhũng, lãng phí xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Vinashin, Vinalines. Nếu không sớm hoàn thiện cơ chế thị trường, không chống được tham nhũng, lãng phí thì Việt Nam sẽ trở thành một nước khó phát triển, chứ không phải chỉ chậm phát triển.
“Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, có giải pháp gì khắc phục?”, ĐB Thuyền chất vấn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi thất thoát, hiện tượng xã hội không tốt, từ tàu chìm đến máy bay nổ đều liên quan trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành.
“Chính phủ đã nhận thức được vấn đề, đã có chương trình quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phát huy lực lượng quan trọng này trong phát triển đất nước và chống thất thoát, lãng phí thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.
Vinalines - Chính phủ có trách nhiệm
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) kiến nghị buộc tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin như các công ty niêm yết thị trường chứng khoán, để dễ giám sát.
“Việc này, Thủ tướng đã đồng tình. Xin hỏi Phó Thủ tướng, sao đến nay không làm, mà chỉ khi nào thanh tra mới biết được nó hư cái gì?”.
Phó Thủ tướng cho biết, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khẳng định, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai, minh bạch trong thời gian tới.
Việc chậm trễ vừa qua có nguyên nhân khách quan, phải chuẩn bị những điều kiện tốt hơn nữa. Lần này phải công khai, minh bạch thông tin để có sự giám sát tốt hơn, coi như là công ty lên sàn chứng khoán, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tiếp mạch vấn đề quản lý tập đoàn, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) chất vấn: “Cuối 2010, khi trả lời chất vấn, ông Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng KH&ĐT) nói vô can trong thất thoát ngân sách nhà nước tại Vinashin. Hôm qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời cũng nói Bộ KH&ĐT không nắm được thất thoát của Vinalines. Vậy trách nhiệm của các bộ trong việc kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nói chung cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty như thế nào?”. Phó Thủ tướng trả lời:
“Theo quy định, các bộ tổng hợp và các bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm trong vấn đề thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước, không phải tất cả nhưng quy định pháp luật hiện hành đã làm rõ vấn đề này.
Chính phủ xác định sắp tới cần phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Ngày mai, Thủ tướng sẽ nghe về nghị định thay thế Nghị định 132 về trách nhiệm quản lý này cho rõ hơn. Bất cứ tổn thất nào về tài sản của Nhà nước, của nhân dân đều là trách nhiệm của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các bộ”.
Chưa thấy đột phá chống tham nhũng
ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nói rằng, những giải pháp Phó Thủ tướng nêu về phòng chống tham nhũng (PCTN) là cần thiết nhưng “chưa thấy đâu là khâu đột phá”.
“Theo Phó Thủ tướng, có nên chọn 3 vấn đề sau đây làm đột phá trong PCTN: Thứ nhất, chỉnh sửa luật để cho pháp luật trở thành lưới vững chắc, kín kẽ, khiến tham nhũng không thể xâm nhập. Thứ hai, sửa tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm cán bộ để quan tham nhũng không thể lọt vào bộ máy nhà nước. Thứ ba, ban hành Luật Trọng dụng nhân tài để thu hút lực lượng cán bộ tinh hoa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước?”, ĐB Vân hỏi.
Phó Thủ tướng trả lời:
“Những ý tưởng và những khâu đột phá của ĐB Lê Thanh Vân, chúng tôi nhất trí và sẽ coi như một sự tiếp thu cần thiết để hoàn chỉnh công tác PCTN trong thời gian tới mà Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo thực hiện”.
Không sợ mất chức, mất ghế
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ và kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực thi công vụ.
“Báo cáo của Chính phủ nêu kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, trình độ một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức (CBCC) chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Vì sao có thực trạng này, Chính phủ có giải pháp nào để sớm chấn chỉnh?”, ĐB Học chất vấn.
Phó Thủ tướng cho biết, đa số CBCC có bản lĩnh chính trị, có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. Những hạn chế này là do cách chọn nhân tài của chúng ta có vấn đề.
CBCC phải nâng cao năng lực hành động, sát thực tiễn để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế.
Đặc biệt, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân trong hành động của mình, trong công việc của mình, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, trong thực thi công vụ.
Nợ xấu hiện nay có một phần của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua. Về tỷ lệ, tôi vừa hỏi đồng chí Bình (Thống đốc NHNN) thì tỷ lệ không phải là cao, không phải nguyên nhân chính của nợ xấu ngân hàng là từ những tập đoàn thua lỗ này”. |