Tảo hôn, cơm muối và đường đến lớp

Tảo hôn, cơm muối và đường đến lớp
TP - Nạn tảo hôn lan rộng, khoảng 80% HS có học lực trung bình và yếu. 40 em nghỉ học mỗi năm. Đó là trường THPT Âu Cơ (Đông Giang, Quảng Nam).

Tuổi “ô mai” bỏ học, lấy chồng
> Vợ chồng tuổi 15

Mỗi buổi chào cờ sáng thứ hai, trường THPT Âu Cơ lại dặn dò các em không được bỏ học đi lấy chồng. Nhưng khi nghe tin Đặng Thị Ngọc D. - một học sinh khá trong lớp nghỉ học đi lấy chồng, cả thầy trò đều rất bất ngờ. Hiện, chồng D. đang làm thợ phụ hồ để nuôi hai mẹ con. Nhờ sự giúp đỡ của ba mẹ đẻ nên sau khi sinh con D. cố gắng quay lại học tiếp. “Nghĩ lại thấy mình dại dột quá. Đến lớp thấy ngại với bạn bè, thầy cô lắm, lại thêm áp lực khi làm mẹ, em rất lo” - D tâm sự. Em là trường hợp đầu tiên và duy nhất sinh con xong vẫn đi học lại.

“Trường luôn vận động các em trở lại trường. Song vì ngại, mặc cảm hoặc lo cuộc sống gia đình nên nhiều em không thể trở lại” - thầy Đặng Xứng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Mỗi năm ở trường này có khoảng 40 học sinh nghỉ học, phần lớn là để lập gia đình hoặc đi đào đãi vàng giúp gia đình.

Trường THPT Âu Cơ thành lập năm 2009, hiện có 558 HS cho cả ba khối lớp. Học sinh trường thuộc 6 xã vùng cao: xã Ba, xã Tư, A ting, Sông Kôn, Zơ Ngây và Ka Zăng. “Phần lớn các em học xa, có em phải vượt cả trăm cây số, gùi gạo và thuê trọ”.

Trường mượn tạm khu trạm xá cũ để có chỗ ở cho hơn 80 HS. Khoảng sân đầy cỏ dại, trời mưa đất đỏ lầy lội. Dãy phòng khá tạm bợ và ẩm thấp, với khoảng 10m2/phòng nhưng có tới 16-17 em ở chung. 3 em chung một giường. Không bàn học, đèn chiếu sáng không đảm bảo. Không nhà vệ sinh, không nhà tắm. Bếp ăn được cất dựng bằng những tấm tôn. “Mỗi tháng mẹ cho 50-100 nghìn đồng để chi tiêu ăn uống. Gạo thì mang từ nhà lên, củi thì lên rừng mang về. Thường, tụi em ăn cơm với muối tiêu tự giã” - Thùy Loan, học sinh lớp 10, nói.

Nhà ở xã Dang, cách trường cả trăm cây số nên vài ba tháng ba chị em Tacooi Thị Ngà (lớp 12/4) mới về thăm nhà. Không có điều kiện để học thêm, chị em bảo nhau học, nhưng một mặt không có thời gian, trong phòng ít bạn học khá hơn nên học lực cả ba năm của Ngà cũng chỉ đạt trung bình.

Thầy Đặng Xứng cho biết: Gia cảnh học sinh khó khăn nên không có điều kiện học thêm. Cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Toán, chủ nhiệm lớp 12/3, tâm sự: “Phần lớn tiếp thu bài chậm nên giờ học mất thêm nhiều thời gian. Chúng tôi thường phải linh hoạt trong giáo án, thêm thời gian ôn tập lại và giảng kỹ cho học sinh nên thường xuyên phải bố trí thời gian dạy phụ đạo vào tối thứ 3,4,6”.

Năm học 2010 – 2011, số học sinh khá giỏi chiếm khoảng gần 20%. Trong dịp khảo sát kết quả đầu năm đối với HS khối 10, có tới 93% HS đạt trung bình, yếu, mặc dù trước đó trường đã có tổ chức ôn tập bao quát đề. “Nhà trường đang phải mở lớp phụ đạo cho các em khối 12 vào buổi tối”- thầy Xứng nói.

Trường THPT Âu Cơ phần lớn học sinh là người dân tộc Cơ tu nên được hỗ trợ 100 nghìn đồng/ tháng tiền sinh hoạt phí và 70 nghìn đồng tiền học. Trường đã trang bị được 10 phòng (1 phòng máy tính, 9 phòng dạy và học). Hiện đang thi công dự án nhà ở cho học sinh với 26 phòng, dự kiến hoàn thành năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG