Phát biểu tại chương trình “Nâng bước thủ khoa” 2022, anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, bày tỏ tự hào và khâm phục trước nghị lực vượt khó vươn lên của các bạn sinh viên - nhân vật chính trong chương trình. Mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, tuy nhiên đều có điểm chung là thành tích học tập tốt, rất đáng ghi nhận.
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. |
“Xuất hiện trên sâu khấu chương trình, các em kể về hoàn cảnh của mình, cảm ơn Ban tổ chức, các đơn vị đồng hành, các ‘mạnh thường quân’ giúp các em trên con đường học vấn. Chúng tôi hiểu rằng đó là lời hứa của các em trong quãng đường học tập của mình. Chúng tôi mong muốn các bạn là những thủ khoa đầu vào sẽ hoàn thành kết quả học tập tốt nhất, tiếp tục là thủ khoa đầu ra ở các trường đại học, cao đẳng", anh Triết nói.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình học bổng “Nâng bước Thủ khoa”, cùng những nỗ lực không ngừng của báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam để đồng hành, hỗ trợ nhiều nhất đối với những tấm gương vượt khó vươn lên.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt đối với những mầm non, nhân tài của đất nước. Đồng thời, mong báo Tiền Phong, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tiếp tục cố gắng phấn đấu mở rộng sự hỗ trợ, sự bao phủ của quỹ để tạo điều kiện tốt nhất cho tấm gương, tài năng trẻ học tập và trưởng thành đóng góp cho đất nước.
Giao lưu tại điểm cầu Hà Nội, em Bùi Nhật Thanh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nghẹn ngào kể về hành trình vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Bùi Nhật Thanh lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống xa bố mẹ từ nhỏ. Lên 4 tuổi, bạn bị chẩn đoán mắc bệnh tim và bắt đầu bước vào quá trình chạy chữa. Trong ký ức, Thanh vẫn nhớ như in những lần lấy ven nhiều đến mức các ven bị lặn hết, bệnh viện phải trả về… Tuy vậy, Thanh luôn tự dặn mình, phải khỏi bệnh để là sợi dây liên kết giữa bố và mẹ, đáp lại sự giúp đỡ của họ hàng, các bác sĩ trong hành trình dài chữa bệnh.
Câu chuyện của em Lô Thị Nga (sinh viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Lô Thị Nga sinh ra và lớn lên ở một vùng cao của tỉnh Nghệ An.
Năm 2021, Nga đã từng thi đỗ ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Vinh, nhưng do hoàn cảnh gia đình, bố lại bệnh nan y nên Nga đã nghỉ học để đi làm công nhân. Sau một thời gian đi làm công nhân, Nga đã quyết định đi học trở lại. Nga cho biết, sau thời gian làm công nhân trải qua nhiều vất vả và khát vọng học tập vẫn còn rất lớn đã thôi thúc bạn quay lại con đường học tập, quay lại giảng đường. Mục tiêu trước mắt của Nga là không lung lay trước hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực học tập tốt hơn. Xa hơn, Nga mong tìm được công việc ổn định và hỗ trợ được gia đình.