Nối liền một dải
Tại lễ khánh thành cầu Hòa Trung vượt sông Gành Hào nối thành phố Cà Mau với huyện Đầm Dơi và thông xe kỹ thuật tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi (đoạn Năm Căn- Đất Mũi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Tuyến đường Hồ Chí Minh về Mũi Cà Mau là ước mơ ngàn đời đã thành hiện thực, rút ngắn Cà Mau với cả nước và non sông liền một dải. Người dân Cà Mau sẽ có điều kiện hơn để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng để cùng cả nước phát triển”. Cầu Hòa Trung dài 1.286m (cầu 626m, đường vuốt nối dài 660m), rộng 10m, bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, có mức đầu tư 383 tỷ đồng.
Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức thông xe kỹ thuật đoạn Năm Căn-Đất Mũi thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh. Đoạn đường dài hơn 51 km (điểm cuối là Khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi), có 22 cầu, tổng mức đầu 3.540 tỷ đồng. Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Dự án đường Hồ Chí Minh, nói: “Các đơn vị tham gia triển khai xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh về Mũi Cà Mau đã vượt qua khó khăn, gian khổ và quyết tâm cao để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng công trình mang ý nghĩa lịch sử, chào mừng Đại hội XII của Đảng”. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phát biểu: “Hôm nay, Dự án đường Hồ Chí Minh xóa thế “ốc đảo” huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển (Cà Mau), tạo thế phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-du lịch Đất Mũi Cà Mau”.
Cột cờ Hà Nội, Cánh đồng điện gió
Đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham gia động thổ các công trình ngay ngày đầu thông xe kỹ thuật tuyến đường Hồ Chí Minh đến Mũi Cà Mau. Tại lễ động thổ công trình xây dựng Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nói: “Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, thể hiện mối quan tâm, tình cảm gắn bó sâu nặng của Thủ đô Hà Nội “Trái tim cả nước”, của đồng bào Hà Nội với quê hương vùng Mũi Cà Mau”. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội nằm trong quần thể các công trình Dự án Khu công viên văn hóa-du lịch Mũi Cà Mau, diện tích 160 ha, tại ấp Mũi, xã Đất Mũi. Công trình mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, xây dựng kiên cố, bền vững, kỹ thuật cao, chất liệu chống chọi thời tiết của Mũi Cà Mau. Ông Chung cho biết, Dự án Biểu tượng Cột cờ Hà Nội có khái toán ban đầu 140 tỷ đồng, nguồn vốn của thành phố Hà Nội và các nguồn huy động.
Thiên nhiên ưu đãi cho Mũi Cà Mau “rừng biết đi, đất sinh sôi” về phía biển Tây Nam thuộc vịnh Thái Lan. Một bãi cát mịn màng, trải dài dường như vô tận về phía biển là bãi Khai Long, ấp Khai Long, xã Đất Mũi. Những năm qua, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Xây dựng-Du lịch-Thương mại Công Lý, đã đầu tư xây dựng Khu du lịch Khai Long với diện tích hơn 769 ha. Từ lâu, ông Dân đeo đuổi giấc mơ xây dựng “cánh đồng điện gió” ven biển Tây Nam bộ. Ngày 16/1, Cty Công Lý khởi công Dự án Điện gió Khai Long tại xã Đất Mũi với 50 trụ tua-bin, tổng công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng. Ông Dân nói: “Dự án Điện gió Khai Long 2.000 ha ven biển, từ bờ ra biển khoảng 500m. Chúng tôi quyết tâm triển khai dự án trong vòng 36 tháng để hòa vào lưới điện quốc gia”.