Tăng viện phí: Mới tính ba, đáng ra phải là bảy

Tăng viện phí: Mới tính ba, đáng ra phải là bảy
TPO – "Mức tăng thì trong cấu thành của giá có bảy yếu tố, lần này mới chỉ tính ba. Cụ thể, các chi phí trực tiếp, điện nước, duy tu sửa chữa trang thiết bị..." - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 > Hơn 400 dịch vụ y tế tăng giá

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn.

Sáng nay, 16 - 3, tại cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đối thoại trực tuyến với người dân. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào vấn đề tăng viện phí, khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế (BHYT)

Đáng lẽ tính bảy, giờ mới tính ba

Trả lời các câu hỏi về vấn đề tăng viện phí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Tăng viện phí là yêu cầu rất bức thiết, phải làm từ lâu, nhưng có nhiều khó khăn trong thực hiện.

Giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính một phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần.

Trong khi đó, lương cơ bản tới nay tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường.

Mức thu phí dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh. Khi mức thu không đủ cho chi, người bệnh phải mua thêm thuốc, ngay chi phí cho phòng khám chữa bệnh, ga trải giường... cũng rất khó khăn.

Thông tư 04 (quy định tăng viện phí - PV) có hiệu lực từ 15-4, đơn vị trực thuộc phải trình mức thu lên Bộ Y tế, bệnh viện khác phải trình Sở Y tế, Sở Y tế trình HĐND, nơi nào làm nhanh sẽ thực hiện nhanh tùy theo phê duyệt các cấp có thẩm quyền.

Mức tăng thì trong cấu thành của giá có bảy yếu tố, lần này mới chỉ tính ba. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu hao… Mức tăng từ hai đến bốn lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn sáu lần).

Nộp viện phí. Ảnh: Internet
Nộp viện phí. Ảnh: Internet.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết thêm, khi tăng viện phí, đối tượng đáng lo nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn…

“Với người nghèo hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 95%, với đối tượng cận nghèo, năm nay hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75%…

Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư…, được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh...

Tôi cho rằng, mức đóng bảo hiểm y tế chỉ vào khoảng 400 nghìn đồng, trong khi mức chi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Do đó, người dân nên mua bảo hiểm y tế.

Sắp tới, Nhà nước sẽ tiến tới lộ trình y tế toàn dân, hỗ trợ 30% cho các hộ mức thu nhập trung bình” – Bộ trưởng nói.

Thu vượt quy định BHYT: Có thể thông cảm

Bạn đọc hỏi: Có thẻ BHYT nhưng khi đi khám bệnh, ngoài 20% cùng chi trả, thì phải nộp một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả, bệnh nhân phải nộp (như vật tư, thuốc trong phẫu thuật thủ thuật, chênh lệch giá xét nghiệm, cận lâm sàng...). Các khoản này lớn hơn rất nhiều so với khoản 20% cùng chi trả, đặc biệt ở các tuyến trung ương?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, khi đồng chi trả 20%, nhưng phải nộp thêm một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả, thì về nguyên tắc, không đúng quy định. Nhưng, về thực tiễn, bệnh viện cũng phải làm như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Khám bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Internet
Khám bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Internet.

Theo bà Tiến, mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm, không thể đủ.

Thời gian qua, có lúc giá vật liệu, dụng cụ thay đổi, có những phần là phải trả thêm so với mức quy định của bảo hiểm y tế, bởi mức chi trả của bảo hiểm quá thấp, như phần đồng chi trả, nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có xảy ra trường hợp phải trả thêm một khoản hơn mức 20%.

Khi viện phí tăng lên như mức hiện nay, về nguyên tắc gần như không phải đóng nữa. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt như có những thủ thuật trên cơ địa người đó phải dùng bởi nếu dùng thuốc trên danh mục quy định sẵn thì không phù hợp với bệnh nhân như bệnh dễ chảy máu, tan huyết…

Mức quy định của BHXH cũng như Bộ Y tế, Tài chính đã thống nhất phải nằm trong khung giá đã quy định. Nếu như có những phát sinh thuốc, dụng cụ ngoài danh mục, giá vượt mức, nhưng cần thiết, bác sĩ vẫn phải sử dụng để chữa bệnh trước đã. Trường hợp đó, số tiền phát sinh có thể cao hơn rất nhiều.

Không có chuyện xé rào, giá chồng giá

Ông Vũ Nguyễn Thanh Phúc (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đặt câu hỏi: Từ khi Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí, một số ý kiến cho rằng, đó chỉ là hình thức hợp lý hóa các khoản thu mà các Bệnh viện đã “xé rào” từ lâu. Vì thế, vấn đề người dân chúng tôi băn khoăn hơn cả là sự minh bạch trong viện phí...

Tôi cho rằng, nếu đã nằm trong hệ thống y tế công lập, mọi thứ được Nhà nước đầu tư từ A-Z thì bệnh viện tuyệt đối không được thu tiền của người bệnh bằng các dịch vụ với chi phí tăng thêm.

Liệu Bộ Y tế có thể kiểm soát được vấn đề lạm dụng, làm ảnh hưởng đến túi tiền, đến đời sống của người bệnh? Nay thêm phần điều chỉnh khung giá mới nữa liệu có dẫn đến tình trạng “giá chồng giá” tại các bệnh viện hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hiện nay, chúng tôi xin trả lời thẳng thắn là nhà nước không đầu tư từ A-Z.

Đối với tuyến trung ương, ngân sách hiện nay, có những bệnh viện gần như tự chủ hoàn toàn, hoặc có những bệnh viện chỉ cấp khoảng 10-30% đối với tuyến trung ương nói chung, chủ yếu chỉ cấp tiền lương cơ bản.

Mỗi lần tăng lương cơ bản, kèm theo phụ cấp, giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh rất lo. Vì tuyến trung ương, hỗ trợ khoảng 10-20%, tuyến tỉnh, ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 30 - 50%, chỉ có tuyến huyện hỗ trợ khoảng 80%. Còn lại là phải thu, mà nguồn thu đó chủ yếu từ BHYT và dịch vụ y tế khám theo yêu cầu, nhất là ở tuyến trên. Do đó, nói là lo từ A-Z là không có.

Đối với chuyện “xé rào”, đó là những trường hợp đi khám dịch vụ, tức là người không tham gia BHYT. Họ tham gia dịch vụ, tiền công khám khoảng 30.000 đồng, giá dịch vụ thu theo giá thị trường.

Còn những bệnh nhân BHYT, giá này đã có sự thống nhất của Bộ Tài chính, Y tế, BHXH và có sự giám sát của BHXH, nên tiền khám cũng chỉ thanh toán 3.000 đồng. Tức là khám ca ấy, bảo hiểm sẽ thanh toán lại cho bệnh viện 3.000 đồng, thuốc cũng nằm trong danh mục, dịch vụ trong khung giá, nên không thể xé rào.

"'Xé rào" có thể đối với trường hợp bệnh nhân khám dịch vụ y tế (điều trị tự nguyện). Khám dịch vụ, ít nhất cũng phải thu đủ chi phí.

Bộ Y tế có kiểm soát được không? Không phải hiện nay, mà từ trước tới nay Bộ đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn.

Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát (giám sát viên của Bảo hiểm). Bộ Y tế có thanh tra Bộ… Tại Sở Y tế các tỉnh cũng có đơn vị tương ứng.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiến tới khoán, thanh toán trọn gói cho ca bệnh. Hiện nay đã làm thí điểm, còn khoán theo định suất đã làm đối với 40% số bệnh viện huyện. Lộ trình đó phải làm dần dần.

"Đau chân bắt chụp CT sọ não"

Bà Đỗ Thị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) đặt câu hỏi: Theo cách giải thích của Bộ trưởng, tôi thấy việc ban hành khung viện phí mới là hoàn toàn phù hợp. Nhưng vấn đề là liệu các bệnh viện có lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết làm khổ cho người bệnh hay không?

Theo tôi được biết, hiện nay, ở một số bệnh viện có hiện tượng các bác sĩ chỉ định người bệnh đi chụp CT sọ não trong khi họ chỉ bị đau chân, đau tay. Cũng có trường hợp bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị thuốc đắt gấp hàng chục lần nhưng không nằm trong danh mục thanh toán BHYT thay vì có thể sử dụng thuốc vừa tiền và có trong danh mục được thanh toán. Vậy có cách nào giám sát, ngăn ngừa vấn đề này để người dân có thể yên tâm?

Tăng viện phí: Mới tính ba, đáng ra phải là bảy ảnh 4

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo tôi, với bệnh nhân BHYT, việc lạm dụng này sẽ khó hơn, vì có quy trình điều trị, danh mục vật tư, giá dịch vụ… rất chặt chẽ.

Như tôi nói, để khắc phục được vấn đề này, phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Sắp tới, Bộ cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này.

Bên cạnh đó, với một số hình thức chi trả tiên tiến, chẳng hạn chi trả trọn gói như tôi đã nói ở trên, hiện tượng này sẽ dần được hạn chế.

Bạn đọc thuy le: Mọi thứ đều cần kinh phí thì Bộ Y tế mới làm được. Điều đó đúng, nhưng có một thứ không cần kinh phí, đó là nụ cười, sự ân cần, niềm nở, vui vẻ đối với bệnh nhân. Cán bộ y tế cần sửa.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi tiếp thu góp ý của bạn. Đúng là nghề này đòi hỏi ba yêu tố: Y lý, y thuật (là chuyên môn) và y đức. Vì vậy, để khám chữa bệnh tốt, thầy thuốc ngoài dược phẩm, trang thiết bị, còn có tấm lòng.

Đúng là cần phải có nụ cười, tính nhân văn. Tình trạng thiếu nụ cười cũng xảy ra ở một số cơ sở, nhất là ở những nơi quá tải ở phòng khám ngoại trú, phòng khám bệnh, quá đông, chật chội, nóng bức, ngột ngạt. Một số cán bộ nhân viên còn thiếu nụ cười hay nhiều khi thái độ cũng chưa được ân cần.

Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ Y tế đã được ban hành.

Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức chung kết hội thi toàn quốc quy tắc ứng xử ngành y tế với hơn 1.000 bệnh viện tham gia.

Hầu hết các lực lượng điều dưỡng y tế, cán bộ y tế của các đơn vị này từ tuyến xã, tuyến huyện, tỉnh, TW tham gia. Đây cũng là cuộc vận động lớn.

Có bệnh viện đang hấp hối

Ông Đặng Văn Thuý (Kiến An, Hải Phòng): Thưa Bộ trưởng, dù giá viện phí đã cũ, rất lạc hậu với giá thị trường và ngân sách Nhà nước cấp ngày càng eo hẹp, nhưng vì sao các bệnh viện vẫn chưa “ngã bệnh” và Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế đã bao giờ nhận được báo cáo lỗ của bệnh viện nào chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tình trạng này rất nhiều, thậm chí có thể nói là nhiều bệnh viện đang “hấp hối”.

Bộ Y tế, Sở Y tế nắm khá chắc nguồn thu chi của các bệnh viện và có thể nói mức thu hiện nay, những người quản lý chịu áp lực rất lớn. Nhiều bệnh viện nói hình ảnh là “tự ăn thịt mình”, họ khẳng định tồn tại như thế này là một nỗ lực rất lớn.

Ngày hôm qua, Bộ đã tổ chức hội nghị toàn ngành để chuẩn bị thực hiện Thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng các đại biểu cũng nói rằng việc điều chỉnh này mới chỉ là một phần. Do đó, nói mức thu như cũ mà không khó khăn là không đúng sự thật.

Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai cho biết năm 2011 nợ 70 tỷ đồng nếu Bộ không cấp thêm kinh phí vì lương cơ bản tăng.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Phạm Lê Tuấn cho biết, thường xuyên tiếp nhận được ý kiến của các đơn vị trực thuộc và các tỉnh về vấn đề thiếu kinh phí, điển hình như BV Bạch Mai, Lão khoa, Học viện Y học cổ truyền… Đây là bức xúc kéo dài với các bệnh viện.

"Có những hội nghị mà chúng tôi không dự, nhưng được phản ánh lại rằng các địa phương, đơn vị vẫn nói nhiều nhất về bảo hiểm y tế, chi phí hoạt động. Có BV ĐBSCL nói một năm lỗ khoảng 600 triệu đồng, Giám đốc bệnh viện đều phải co kéo từ khoản này sang khoản khác, ảnh hưởng nhiều đến việc duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường…, vì phải tập trung cho người bệnh.

Chúng ta trong một thời gian dài chỉ thu một phần, Nhà nước cấp kinh phí phần còn lại. Nhưng điều kiện kinh tế Nhà nước không đủ, do đó phải xã hội hóa, các đơn vị có điều kiện tự bổ sung thêm kinh phí, cung ứng các thiết bị hiện đại…" - Ông Tuấn nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.