Chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên khi viện phí tăng theo? Ảnh: L.N. |
Đã tăng vô tội vạ
Từ 5 năm nay, giá mỗi lần khám bệnh tại bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 là đã 30.000 đồng/lượt khám thông thường và 60.000-80.000 đồng/lần khám dịch vụ. Tại BV Nhi đồng 2, mỗi lượt khám từ 30.000 đồng - 60.000 đồng. Theo quy định khung giá ban hành từ năm 1995, mỗi lượt khám chỉ 3.000-5.000 đồng và 7.000 đồng-20.000 đồng cho mỗi giường bệnh/ngày đã không còn BV nào ở TPHCM áp dụng.
Trước đây, giá quy định nằm giường bệnh hồi sức cấp cứu, bệnh nhân trả 12.000 - 18.000 đồng/ngày khi nằm ở BV hạng 1 và đặc biệt. Trong khi các khoa truyền nhiễm, hô hấp tim mạch, bệnh nhân chỉ trả 8.000 - 10.000 đồng/ngày với BV hạng 1 và dưới 8.000 đồng/ngày với BV hạng 2 hoặc 3.
Thực tế tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu đã phải trả 300.000 đồng/ngày, nằm điều trị thường ở đây 120.000 đồng/giường/ngày.
“Phải nghiên cứu để xác định lúc nào tăng là phù hợp, tăng đồng loạt hay áp dụng một số dịch vụ này trước, một số dịch vụ kia sau.” - TS Vũ Xuân Phú, PGĐ Bệnh viện Phổi T.Ư |
Tình trạng xé rào tăng giá viện phí vô tội vạ diễn ra ở hầu khắp BV từ tuyến trung ương đến quận huyện.
Tại BV Chợ Rẫy, mỗi lần khám giá từ 20.000 đồng, BV Nguyễn Tri Phương cũng từ 20-30.000 đồng/lần trong khi giá khám dịch vụ 70.000 đồng; BV Nhân dân 115 cũng thu 20.000 đồng/lần khám bình thường và 50.000 đồng cho mỗi lần khám dịch vụ.
Không chỉ xé rào trong khám, tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, khi thực hiện siêu âm tim thu 150.000 đồng, tăng 20% so với quy định, Bệnh viện Chợ Rẫy lại thu 158.000 đồng, ở Bệnh viện Từ Dũ thu 80.000-100.000 đồng.
Theo quy định, mỗi lần chạy thận nhân tạo bệnh nhân trả tối thiểu 150.000 đồng/lần và tối đa 300.000 đồng/lần nhưng tại TPHCM, các BV đã thu 400.000 đồng/lần, BV tư có nơi thu tới 700.000 đồng/lần… Theo tính toán, những mức tăng này đã vượt 10-20 lần so với khung viện phí được quy định mà bệnh nhân không phải trả.
Tiếp tục nhảy cóc
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, giá viện phí thấp gây ra một loạt hệ lụy. Thấy rõ nhất là viện phí thấp tạo ra sự mất cân bằng trong khám chữa bệnh và là nguyên nhân gây ra nhiều tiêu cực trong ngành y tế như y đức, thái độ với bệnh nhân, hay một số bệnh viện lách luật bằng cách đưa ra nhiều dịch vụ nọ kia để tăng mức thu viện phí.
TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, nói thẳng cái gọi là dịch vụ nọ kia chính là nạn nở rộ các dịch vụ xét nghiệm mà thiệt thòi nhất, cuối cùng, vẫn là bệnh nhân. Ở góc độ quản lý, không tính đúng tính đủ viện phí làm nảy sinh tình trạng mất cân đối thu chi kéo dài trong y tế, làm chậm sự phát triển của nền y tế nước nhà. Không đủ nguồn lực thì lấy đâu để tăng cường tái đầu tư cho y tế, để phát triển mạnh các kỹ thuật cao.
Theo dự thảo về tăng giá viện phí đã được Bộ Y tế thông qua, sẽ có ít nhất 12% số dịch vụ khám, chữa bệnh, tương đương 350 dịch vụ bị điều chỉnh giá từ 2-10 lần. Theo đó, tiền khám bệnh có mức tăng cao hơn với mức điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám (tăng 10 lần).
Theo Bộ Y tế, tình trạng giá điện nước, găng tay, khẩu trang và các chi phí khác phục vụ khám bệnh hiện nay đều tăng nên chi phí khoảng 10.000- 30.000 đồng/lần khám tùy thuộc vào chuyên khoa và hạng bệnh viện là hợp lý.
Trước đây, tiền giường nằm điều trị theo quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 4.000-18.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng I; từ 2.500 - 16.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng II. Tuy nhiên sắp tới mức giá mới 100.000 đồng/ngày điều trị nội khoa.
Bộ Y tế cho biết với mức tăng này mới có thể bù đắp các chi phí trực tiếp như điện, nước, chăn, ga, gối, đệm, bông băng, xử lý chất thải. Điều chỉnh giá tăng cao nhất phải kể đến giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt như bỏng độ III, IV là 150.000 đồng/ngày.
Trong khi đó, cắt amidan theo Thông tư 14 ban hành chỉ thu từ 20.000 - 40.000 đồng, nay sẽ tăng lên khoảng 10 lần, từ 200.000 đồng- 400.000 đồng. Lý giải về điều này, đại diện Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong thủ thuật này chỉ riêng tiền thuốc mê cho kỹ thuật cắt amidan đã là 220.000 đồng; tiền bông, băng, sát trùng, kháng sinh... cộng lại khoảng 400.000 đồng/ca. Hay với các xét nghiệm như xét nghiệm huyết đồ trước đây từ 3.000 - 9.000 đồng/lần nay tăng lên từ 7-10 lần.
Chất lượng sẽ tăng?
Theo Vụ pháp chế- Bộ Y tế đến nay khung giá hiện hành không còn phù hợp với tình hình giá cả và chi phí để thực hiện các dịch vụ nên việc thu theo mức giá cũ không thể thực hiện được dịch vụ y tế hiện đại, kỹ thuật cao.
Bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế thuộc Bộ Y tế cho biết, hiện toàn bộ người dân thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (khoảng 14,7 triệu người) đã được ngân sách Nhà nước chi mua thẻ Bảo hiểm y tế.
"Khi đi khám, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí và tiền vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến điều trị từ tuyến huyện, chỉ còn phải đóng 5% chi phí" - bà Sương cho hay. Vì vậy, điều chỉnh viện phí lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 53 triệu người hiện nay đã có bảo hiểm y tế.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định chất lượng cũng sẽ thay đổi nhất là khi máy móc được đầu tư nhiều hơn lúc viện phí tăng lên. Trong khi người bệnh quan tâm tăng viện phí liệu có còn tình trạng nằm ghép đến 2 - 3 người/giường, đại diện Bộ Y tế cho rằng giá điều chỉnh lần này áp dụng cho 1 người/giường bệnh; nếu bệnh viện ghép bệnh nhân, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn việc phải giảm tiền.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 17-4, bác sĩ Phan Văn Nghiệm- PGĐ Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết, tăng viện phí là hợp lý bởi 3.000 đồng/lượt khám là thời của cách đây gần 20 năm, hiện nay cái gì cũng tăng giá thì không thể khám bệnh ở mức đó được.
Phải có lộ trình
Dẫu thế, phần lớn ý kiến, trong đó có không ít ý kiến trong ngành y tế, vẫn cho rằng tăng viện phí cần có lộ trình thay vì thực hiện theo liệu pháp sốc. Chí ít, với những bệnh nhân đang phải cùng chi trả 5-20% viện phí, các dịch vụ y tế tăng giá hàng chục lần không thể không ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các đối tượng này.
GS.TS Nguyễn Tiến Quyết đề nghị tăng viện phí nên được thực hiện tịnh tiến với mức lương, thu nhập bình quân của dân cư, phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội.
Theo TS Vũ Xuân Phú, lộ trình tăng viện phí nên để các cơ quan hoạch định chính sách đề ra. "Phải nghiên cứu để xác định lúc nào tăng là phù hợp, tăng đồng loạt hay áp dụng một số dịch vụ này trước, một số dịch vụ kia sau", TS nói.
Ngoài ra, khi giá viện phí tăng, nếu các bệnh viện phục vụ không tốt thì bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Như vậy, cần xây dựng chính sách và bố trí nhân lực để giám sát và xử phạt hiệu quả nếu vi phạm được phát hiện. Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, để mọi người không phải lo lắng quá về chi phí cho y tế, khám chữa bệnh thì cần thiết phải tiến tới BHYT toàn dân. Điều đó đồng nghĩa không thể tăng giá ngay khi chính sách BHYT toàn dân chưa có chuyển biến rõ ràng so với tình trạng hiện nay.
"Bộ Y tế nên nghiên cứu lại việc tăng giá như dịch vụ nào cần phải tăng, dịch vụ nào bảo hiểm y tế chi trả, hệ số tăng giá khám chữa bệnh giữa các địa phương tại các đô thị lớn, khu vực nông thôn, miền núi. Nếu giá dịch vụ tăng theo kiểu cào bằng giữa các địa phương, công khám của các bác sĩ có thâm niên, có học hàm học vị cũng như bác sỹ mới ra trường thì vô hình trung tăng giá không mang lại hiệu quả" - BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM. |