Theo BHXH Việt Nam, trong số 25 triệu người, có khoảng 20 triệu người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm dân, có mức sống trung bình. Theo chính sách hiện hành, được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT nhưng hiện họ chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ này sau hơn một năm ban hành chính sách.
Một chuyên gia lâu năm nghiên cứu về BHYT phân tích: Theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế-Tài chính, viện phí tăng từ 1/3 mới chỉ áp dụng cho đối tượng có thẻ BHYT. “Tuy nhiên, tác động và áp lực của viện phí tăng sẽ dồn lên những đối tượng chưa có thẻ BHYT, trong đó có cả đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ”, vị chuyên gia nhận định.
Theo vị chuyên gia này, hiện tại hầu hết các địa phương trong cả nước vẫn chưa lập danh sách người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình của địa phương mình, nên các đối tượng này suốt 1 năm qua vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước về chính sách BHYT. “Với 2 triệu người cận nghèo (thuộc nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm) cũng chưa được thụ hưởng. Nguyên nhân, việc lập danh sách người cận nghèo tại các địa phương quá chậm trễ. Hiện mới chỉ có 4/6 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT. Do đó, 2 triệu người còn lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tăng giá viện phí nếu không may lâm bệnh”, vị này nói.
Cũng theo vị chuyên gia trên, theo mục tiêu đề ra, phải đến năm 2020 mới có thể bao phủ được 80% dân số; 20% dân số còn lại là lao động tự do, thuộc nhóm kinh tế khó khăn. “Theo tôi, đáng lẽ không nên tăng viện phí trước khi mở rộng diện bao phủ BHYT, vì như thế, vô hình trung sẽ tạo áp lực cho người dân”, vị này nói.
Trong khi đó, theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam), khi điều chỉnh giá mới người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế (DVYT). Theo ông Sơn, toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp (khấu hao, duy tu bảo dưỡng…) đã được kết cấu vào giá DVYT và sẽ do Quỹ BHYT chi trả. “BHXH Việt Nam cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết tâm không thu thêm của người bệnh những khoản đã được tính vào giá DVYT”, ông Sơn nói.
Để hạn chế tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, liên Bộ Y tế-Tài chính đã quyết định sẽ áp dụng mức giá DVYT điều chỉnh cho đối tượng có thẻ BHYT trước; sau đó sẽ áp dụng giá đủ 7 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. “Người chưa có thẻ BHYT sẽ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc, để thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia BHYT”, ông Sơn nói.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, với mức giá DVYT mới, ước tính Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Tuy nhiên, theo lộ trình điều chỉnh giá DVYT như hiện nay, vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT là vô cùng cấp thiết để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm và để người không may mắc bệnh bị rơi vào “bẫy nghèo”.