Mẹ Tơm là bà mẹ nông thôn nghèo ở ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa đã nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhà thơ Tố Hữu trong những năm tháng hoạt động bí mật trước năm 1945.
Tặng tượng mẹ Tơm cho huyện Hậu Lộc. |
Sau này, năm 1961, Tố Hữu về thăm lại nơi xưa khi mẹ Tơm đã mất và tưởng nhớ mẹ bằng bài thơ Mẹ Tơm nổi tiếng, trong đó có những câu:
Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm
Phác thảo tượng Mẹ Tơm (bán thân) do chính nhà điêu khắc lão thành Tạ Quang Bạo - Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT thực hiện.
Tác giả Tạ Quang Bạo bên cạnh phác thảo mẹ Tơm. |
Việc tạo hình tượng Mẹ Tơm không dễ vì mẹ Tơm mất từ năm 1953, không có bất cứ tấm ảnh, hình vẽ nào về Mẹ Tơm được lưu lại, cũng không tìm được người còn nhớ được nét mặt hình dáng, đặc điểm nào của Mẹ. Do đó, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo quyết định tạo hình mẹ Tơm bằng những nét điển hình của một bà mẹ miền Bắc ngày xưa.
Phác thảo tượng mẹ Tơm. Ảnh: Lê Xuân Sơn. |
Phác thảo tượng Mẹ Tơm đã được Hội Văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội và tác giả Tạ Quang Bạo trân trọng trao cho lãnh đạo huyện Hậu Lộc với sự chứng kiến của Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đông đảo văn nghệ sĩ xứ Thanh.
Hy vọng, tượng Mẹ Tơm được dựng tại một địa điểm thích hợp ở huyện Hậu Lộc.
Mẹ Tơm
Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát...
Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.
Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?
Hòn Nẹ ta ơi! Mảng về chưa đó
Có nhiều không con nục con thu?
Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!
Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù?
Tôi lại về đây, hỡi các anh:
Hỡi rừng sa mộc, khóm dừa xanh
Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng
Hỡi những vườn dưa đỏ ngọt lành!
Như đứa con đi, biệt xóm làng
Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương
Nhớ lều rơm ướt sương khuya sớm
Bãi vắng đìu hiu lạc dấu đường...
Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm!
*
Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?
Ngơ ngác trông quanh, lạ mấy lần
Hỏi thăm cô gái má bồ quân
Mái đầu tóc xoã xanh bên giếng
- Vâng, đúng nhà em, bác nghỉ chân
- Ô kìa, cô bé nói hay sao!
Nhà của tôi, ai lại hỏi chào
Như thể khách đường xa ghé lại
Bố đi đâu, hĩm, mẹ đâu nào?
Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?
- Hai mươi
- Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến
Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!
- Ông mất năm nao, ngày độc lập
Buồm cao đỏ sóng bóng cờ sao
Bà “về” năm đói, làng treo lưới
Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào...
*
Bâng khuâng chuyện cũ: một chiều thu
Mười chín năm xưa, mấy bạn tù
Vượt ngục, băng rừng, tìm mối Đảng
Duyên may, dây nối, đất Hanh Cù.
Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm;
Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm
Hai đứa trai ngày đi cúp dạo
Nồi khoai sớm tối lót thay cơm.
Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật
Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa... Làng bên động?
Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn...
Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh
Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh
Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ
Chiều về... Hòn Nẹ... Biển reo quanh...
Sóng hãy gầm lên, gió thét lên!
Triều dâng. Chèo mạnh, thuyền ơi thuyền!
Vui chăng, hỡi Mẹ, đời vui đó:
Cờ đỏ ta lay động mọi miền!
Nhưng một đêm mưa, ướt bãi cồn
Lính về, lính trói cả hai con
Máu con đỏ cát đường thôn lạnh
Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!
*
Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi.
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!
Đốt nén hương thơm, mát dạ Người
Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...
7-1961
Tố Hữu