> Hàng loạt vấn đề 'khó, nóng' chờ Quốc hội
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo với QH trong phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay Ảnh: Hồng Vĩnh |
Chính phủ bảo "phù hợp", Quốc hội nói "chưa hợp lý"
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày bản báo cáo tóm tắt về tình hình KT - XH thời gian qua và dự báo khả năng thực hiện tiếp theo.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP cụ thể là 5,03%), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng. So với số đã báo cáo Quốc hội, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi.
"Với kết quả này, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012 vẫn cơ bản phù hợp". Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại nhận định tăng trưởng kinh tế cả năm "chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%".
Ngoài việc đặt vấn đề về chỉ số GDP, Ủy ban Kinh tế Quốc hội còn nêu rõ nhiều tồn tại đáng lo ngại của nền kinh tế như: chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao; thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc (Giá trị nhập siêu lên đến 16,7 tỷ USD từ Trung Quốc); chính sách mua tạm trữ lúa, gạo còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nông dân vì số lượng người được hưởng lợi trực tiếp còn ít...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề cân đối ngân sách khi tăng thu chủ yếu chỉ từ dầu thô và viện trợ không hoàn lại.
Nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng
Về tình hình thực hiện các mục tiêu 2013, mặc dù đồng tình với báo cáo của Chính phủ về một số kết quả đã đạt được như lạm phát tiếp tục được kiềm chế; dự trữ ngoại hối tăng cao; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại. Các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời... Ủy ban Kinh tế nhận định nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng |
Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Báo cáo trước đó của Chính phủ cũng cho biết mặc dù kinh tế - xã hội 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu, nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy sớm được ban hành nhưng việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện còn chậm nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiến triển chậm. Tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người về đất đai còn diễn biến phức tạp...
Từ thực tế nêu trên, Chính phủ đề xuất 6 nhóm giải pháp lớn, cần tiếp tục thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013, bao gồm: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; Triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân tăng cường giám sát, phối hợp hành động đề hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Năm 2013, Chính phủ tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Củng cố nền quốc phòng toàn dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế. Tiếp cận khoa học công nghệ quốc phòng tiên tiến, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại. |