Tăng tốc giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước thực trạng nhiều dự án đầu tư công đang ì ạch, chậm tiến độ và giải ngân thấp, cơ quan chức năng TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đang tập trung các biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nhiều dự án ì ạch vì vướng mặt bằng

Tại TPHCM, dự án nâng cấp, mở rộng đường Cao Lỗ (từ điểm giao với đường Phạm Thế Hiển, quận 8 đến ranh giới huyện Bình Chánh) được Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015, với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 297 tỷ đồng. Đến tháng 12/2017, dự án được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành sau 1 năm. Tuy nhiên, khi dự án đạt khối lượng khoảng 70% thì vướng vấn đề mặt bằng. Theo đó, công tác bồi thường gặp nhiều khó khăn nên chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án tăng, chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật phát sinh khiến dự án dừng thi công từ năm 2020 đến nay. Mới đây, HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nâng cấp đường Cao Lỗ, tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 297 tỷ đồng lên hơn 395 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Theo ghi nhận của PV, đoạn đường Cao Lỗ (từ Bệnh viện quận 8 đến ranh giới huyện Bình Chánh) sau khi được mở rộng đã rất thông thoáng, lượng phương tiện di chuyển dễ dàng. Tuy nhiên, đoạn đầu tuyến từ giao lộ Cao Lỗ - Phạm Thế Hiển đến Bệnh viện quận 8 với chiều dài khoảng 300 mét hiện chưa được mở rộng do chưa giải phóng được mặt bằng. “Cả đoạn đường đã được mở rộng rất khang trang, xe cộ đi lại rất thuận lợi. Bây giờ chỉ còn một đoạn ngắn chừng vài trăm mét còn nhỏ hẹp, xe cộ thường xuyên bị ùn ứ trong giờ cao điểm. Mấy năm qua, chúng tôi đều trông chờ tuyến đường được mở rộng để đi lại dễ dàng, kinh doanh cũng thuận lợi hơn”, anh Nguyễn Minh Nhựt (người dân ngụ quận 8) bày tỏ.

Tăng tốc giải ngân ảnh 1

Dự án xây dựng các trường học ở Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn chậm tiến độ gần 1 năm qua. Ảnh: M.T

Trong khi đó, tại TP Thủ Đức, các dự án xây dựng cầu Nam Lý, Tăng Long và Ông Nhiêu đều bị vướng vấn đề mặt bằng và bị “treo” nhiều năm. Năm 2022, HĐND TPHCM thông qua chủ trương tăng vốn đầu tư với cầu Tăng Long và cầu Ông Nhiêu do các dự án có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng theo thời gian. Mới đây, cuối tháng 3/2023, UBND TP Thủ Đức tổ chức lễ bàn giao mặt bằng thi công dự án cầu Nam Lý cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) để tiếp tục thi công, hoàn thiện công trình.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, dự án xây dựng cầu Nam Lý có tổng diện tích phải thu hồi là khoảng 2,6ha với 54 hộ dân ở phường Phước Long B và phường Phước Bình (TP Thủ Đức) bị ảnh hưởng. Đã có 83% hộ dân bàn giao mặt bằng. Thời gian tới, UBND TP Thủ Đức tiếp tục triển khai giải quyết các thủ tục, bàn giao mặt bằng sạch song song với tiến độ thi công. “Sau khi tiếp nhận phần mặt bằng đã bàn giao, Ban Giao thông sẽ cùng các đơn vị thi công và đơn vị tư vấn triển khai ngay công tác tập kết vật tư, thiết bị, chuẩn bị mặt bằng tổ chức thi công... để có thể chính thức thi công trở lại vào tháng 4 và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông (chủ đầu tư), nói và cho biết sẽ hoàn thành công trình trong 14 tháng kể từ khi tiếp nhận đủ mặt bằng.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết, thời gian tới, TP Thủ Đức cam kết hỗ trợ bà con trong các thủ tục hành chính, giá bồi thường giải phóng mặt bằng tiệm cận với giá thị trường.

Tăng tốc

Ngày 20/4, ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết, quý 1/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công mới được 769 tỷ đồng, bằng 3,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Có 6 đơn vị giải ngân thấp hơn mức bình quân, 16 đơn vị chưa giải ngân. Các vướng mắc trong đầu tư công được Bình Dương tập trung chỉ đạo tháo gỡ từ đầu năm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra là 25% mỗi quý.

UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 95%. Năm 2023, tỉnh Bình Dương bố trí vốn cho 36 dự án trọng điểm, với tổng số vốn hơn 14.558 tỷ đồng. Để khắc phục tồn tại, hạn chế, Bình Dương triển khai Chiến dịch cao điểm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác chỉ đạo trực tiếp để giám sát, đôn đốc và hỗ trợ đối với từng ngành cụ thể.

UBND tỉnh đã triển khai ký kết Bản giao ước thi đua thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 với các chủ đầu tư. Có 6 nội dung được cam kết, đó là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Những nội dung cam kết sẽ được đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua cuối năm đối với người đứng đầu và công chức, viên chức...

Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2022 là hơn 13.600 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/1/2023, tổng nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh là hơn 10.100 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch. Nếu tính cả nguồn vốn Trung ương thưởng vượt thu năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 đạt gần 68% kế hoạch. Đây là tỉ lệ cách khá thấp so với mục tiêu đề ra ban đầu là giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp là do chủ quan và có nguyên nhân từ sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư.

Về các dự án giao thông được triển khai, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai Lê Quang Bình nói, “gần như không có dự án nào về đích đúng thời gian”.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.