Gánh nặng huy động hơn 600.000 tỷ đồng
Theo lãnh đạo EVN, bên cạnh việc phấn đấu hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đã đề ra, đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện và đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện, tập đoàn phải dồn sức đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể, tập đoàn sẽ phải hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW. Đồng thời phải đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực miền Nam như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải... Ngoài ra, tập đoàn phải đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện. Để làm được điều này, tập đoàn sẽ phải đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 với số tiền lên tới 614.800 tỷ đồng. ”Áp lực huy động vốn của ngành điện ngày càng nặng. Tính chung, tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao”, lãnh đạo EVN cho biết.
Để huy động được vốn, theo ông Đặng Hoàng An, EVN sẽ phải thực hiện đa dạng các hình thức huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện. Chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các Ngân hàng thương mại trong nước; Tăng cường hợp tác, thuyết phục các tổ chức tài chính quốc tế để vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài.
Cùng đó tập đoàn cân nhắc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài và tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC. Một giải pháp khác là huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế.
Tăng tốc đầu tư
Tập đoàn EVN cho biết, trong tháng 7/2015, các dự án nguồn điện vẫn đạt tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra và đảm bảo công tác chống lũ 2015 an toàn tại các công trình thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Lai Châu, Trung Sơn, Bản Vẽ.
Về lưới điện, trong tháng 7/2015, đã hoàn thành đóng điện 18 công trình lưới điện gồm 6 công trình 500 - 220kV và 12 công trình 110kV, trong đó có các công trình quan trọng như: Trạm biến áp 500kV Duyên Hải, đường dây 220kV Duyên Hải - Mỏ Cày phục vụ đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, trạm biến áp 220kV Kon Tum để thu gom công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum.... Tính chung 7 tháng đầu năm 2015 hoàn thành đóng điện 111 công trình (4 công trình 500kV, 25 công trình 220kV và 82 công trình 110kV). Tuy nhiên một số công trình quan trọng như đường dây 220kV đấu nối sau Trạm biến áp 500kV Cầu Bông, Thường Tín - Kim Động, Phan Thiết - Phú Mỹ 2 chưa hoàn thành theo kế hoạch do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ước giá trị khối lượng đầu tư, xây dựng toàn tập đoàn thực hiện đạt 62.720 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 50.318 tỷ đồng.
Trong tháng 8/2015, EVN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, phấn đấu hoàn thành chạy tin cậy tổ máy 1, tiếp tục chạy thử nghiệm tổ máy 2 - Nhiệt điện Mông Dương 1; hoàn thành cấp PAC 2 tổ máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và hoàn thành công trình Thủy điện Bản Chát. Phấn đấu đóng điện đường dây 110kV Mường La - Sơn La mạch 2, khởi công 02 công trình lắp máy biến áp trạm 500kV Pleiku 2 và đường dây 220kV Xêkaman 1 - Pleiku 2, đồng thời tích cực tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng cho các công trình quan trọng.
Giai đoạn 5 năm qua, EVN đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất hơn 9.850MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23/12/2012. Về lưới điện, EVN đã đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA.