Tăng tín dụng, sao cứ phải cố?

Tăng tín dụng, sao cứ phải cố?
Ngân hàng (NH) đang tìm cách đẩy mạnh cho vay hòng đạt tăng trưởng tín dụng 12%. Nhưng có cần tăng tín dụng hơn nữa khi nhu cầu thấp và mục tiêu của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả đồng vốn và chất lượng tín dụng.

Nóng ruột

Đến 31/10/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 là 3,54%. Tuy nhiên, so với mục tiêu 12% thì hãy còn một khoảng cách xa. Với thời gian hơn 1 tháng còn lại để đẩy được khoảng 4% còn lại ra là điều không hề dễ.

Trong hoàn cảnh đó, cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) đều tỏ ra nóng ruột. Mới đây NHNN đã phải nhóm họp với nhóm 14 TCTD lớn với nội dung chính là đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, phản hồi từ các NH cho thấy, vẫn chưa có một giải pháp nào kỳ vọng mang lại đột phá khi nhu cầu thi trường rất thấp.

Tăng tín dụng, tốc độ không quan trọng bằng chất lượng
Tăng tín dụng, tốc độ không quan trọng bằng chất lượng.

Từ giữa năm 2013, lường trước DN và ngân hàng vướng nhiều khó khăn trong quan hệ tín dụng mà nhất là vấn đề nợ xấu nên NHNN đã có nhiều biện pháp tháo gỡ. NHNN đã tạm hoãn hiệu lực Thông tư 02 mới nhằm kéo dài thời hạn của hành Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm, để tạo điều kiện cho những DN khó khăn vẫn có thể tiếp cận vốn, ngân hàng cũng bớt áp lực nợ xấu để cho vay ra.

Cơ quan quản lý đã nhiều động thái giảm lãi suất cho vay về mức 9 – 12% - thấp nhất trong vòng 5 năm qua; tăng thêm nguồn vốn giá rẻ cho các chương trình tín dụng mục tiêu hướng đến sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu… Mới đây, NHNN đã có văn bản 7558 của NHNN về việc cho phép các TCTD không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi khách hàng vay vốn mới có dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm thu hồi được nợ…

NHNN cũng không ngại tăng room tín dụng cho nhiều ngân hàng đủ tiêu chuẩn thay cho mức trần 12% giao hồi đầu năm như NamA Bank đã được nâng "room" lên 30%, SHB lên 20%, Sacombank lên 20%, VIB lên 20%...

Trong khi đó, các NHTM cũng đã xoay đủ cách để cho vay. Đầu tiên là hạ lãi suất cho vay, tăng thêm nhiều ưu đãi đối với những khách hàng đủ điều kiện; tung ra đủ các gói tín dụng lên tới hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất thấp, thậm chí còn thấp hơn lãi suất huy động để kích thích nhu cầu vay vốn… Chạy đua cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân… Nhưng xem ra việc tăng trưởng tín dụng vẫn không hề dễ dàng.

Cho đến hết 9 tháng đầu năm, đa số NH đều có mức tăng trưởng thấp. Thậm chí có những ngân hàng tăng trường âm. Cụ thể Navibank âm 8,9%; OceanBank âm 5,2%; PG Bank âm 5,6%; PhuongNamBank âm 0,2%; DongABank mới tăng 1,2%; ACB tăng 1,6%; Vietcombank tăng 4%; VIB ước tăng 6%... Một số ngân hàng lớn có mức tăng trưởng tín dụng khá hơn nhưng cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Ví như 9 tháng đầu năm, BIDV đạt mức 9,8%; Sacombank tăng 13,3%; SHB tăng 8,7%; SeABank tăng 7%.

Lý giải cho việc này, các NH đều có một chung một quan điểm là sức khoẻ DN suy giản khiến nhu cầu tín dụng thấp. Thậm chí, dù đã ở thời điểm cuối năm nhưng các DN cũng không mặn mà với vay vốn sản xuất mà tập trung vào xả lượng hàng tồn kho để thu hồi vốn.

Trong khi đó, từ phía DN kêu khó khăn tiếp cận vốn nhưng đa số đều có vấn đề nếu không vướng nợ cũ thì cũng có vấn đề khác về điều kiện cho vay. Chính vì thế, nếu muốn cho vay chỉ còn cách hạ điều kiện và tiêu chuẩn cho vay.

Tăng để làm gì?

Theo tính toán, để đạt mục tiêu 12%, bình quân phải "bơm" ra thị trường mỗi tháng khoảng 68.000 tỷ đồng. Đây là điều quá khó và đang khiến cho các NH dù nóng ruột nhưng cũng bất lực.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, đến thời điểm này, mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm là khó thực hiện được, Tuy nhiên điều cần thiết hiện nay là hệ thống ngân hàng không được tăng tốc độ và phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng.

Cùng quan điểm này, nhiêu chuyên gia nhấn mạnh, tăng 11 -12% vẫn có thể được nhưng vấn đề vấn đề là đạt bằng cách nào. Chúng ta cho vay ít nhưng chất lượng hay cố chạy theo tốc độ mà bỏ quên kiểm soát để rồi ôm lấy nợ xấu. Chất lượng mới là vấn đề quan trọng chứ không phải là con số mục tiêu. Chính vì thế, cần hiểu rằng 12% là một định hướng thậm chí trong hoàn cảnh hiện nay là trần tối đa chứ không có nghĩa là con số phải đạt bằng được bằng mọi giá.

Tại một hội thảo mới đây, ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã đặt câu hỏi: NHNN có phải chịu áp lực nào trong việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% hay không?.

Dù đại điện từ NHNN cho rằng, đây là một mục tiêu đề ra trong kế hoạch kinh tế chung thì ông Phước cũng cho rằng, “Theo tôi, NHNN không cần đặt ra bất cứ giá nào để đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% cho năm nay. Nếu tín dụng năm nay chỉ có thể tăng 9 - 10% cũng đã là tốt rồi. Điều quan trọng là chất lượng nợ”.

Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cũng đồng tình khi nhấn mạnh: Tín dụng của Việt Nam không chỉ là con số mà vấn đề còn là chất lượng. “Ngoài xử lý nợ xấu hiện tại, cái chúng ta lo hơn nhiều là đừng để cho nợ xấu mới phát sinh. Không cần nhìn đâu xa chỉ cần khoảng 3 - 6 tháng nữa nợ xấu sẽ phình to nếu các ngân hàng hạ chuẩn hay nới điều kiện tín dụng” – Ông Ánh nói.

Thậm chí, các chuyên gia còn nhắc lại, trong năm trước, chúng ta đã có phân tích cho thấy dù tín dụng thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mục tiêu. Điều đó có nghĩa hiệu quả đồng vốn đã được nâng lên. Vậy có cần đẩy mạnh tăng tín dụng tới 4% trong tháng cuối năm khi tăng trưởng không hứa hẹn theo đó mà tăng lên.

Con số mục tiêu không quan trọng, vấn đề là chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, và cái lo nhiều hơn nữa là đừng để nợ xấu phát sinh. Vì thế, không chỉ cho tình huống cuối năm nay mà tăng trưởng tín dụng trong những năm tới vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ; không vì áp lực tăng trưởng kinh tế rồi đặt ra một con số như một mức sàn, cần phải vượt qua, thậm chí có vẻ bằng mọi cách để vượt qua để đánh giá thành tích rồi lại phải trả giá.

Theo VietNamNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.