Tăng nặng mức phạt với hàng loạt lỗi vi phạm giao thông từ hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian vừa qua, dư luận hết sức bức xúc trước tình trạng một số người điều khiển phương tiện dùng băng dính đen sửa biển số hay lấy giấy che biển số để đi qua các khu vực có camera giám sát, đặc biệt là các tuyến cao tốc nhằm trốn tránh bị xử phạt. Từ hôm nay (1/1/2022), Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực, các hành vi che, sửa biển số… sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 123) sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 100) ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, theo Nghị định 123, các hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển không do cơ quan có thẩm quyền cấp; điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển không đúng vị trí; gắn biển không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển… bị phạt từ 4-6 triệu đồng. So với trước đây, hành vi tương tự bị phạt từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng.

Đặc biệt, Nghị định 123 cũng tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép. Theo đó, cá nhân có hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị phạt từ 30-35 triệu; tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi, từ 60-70 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, trước đây không quy định rõ và mức xử phạt thấp, dẫn đến việc một số chủ phương tiện đối phó bằng cách che, dán biển số làm sai lệch, thậm chí thay biển số khác trùng với biển số của phương tiện khác làm cho việc xác minh, xử lý rất khó khăn. Đặc biệt là khi xử lý qua hệ thống camera giám sát.

“Nghị định đã khắc phục theo hướng tăng nặng đối với các hành vi sử dụng biển số giả hay che, dán, làm mờ biển số, làm cong vênh biển số… nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát và nâng cao ý thức của người dân” - đại diện Cục CSGT cho biết.

Thời gian vừa qua, dư luận hết sức bức xúc trước tình trạng một số người điều khiển phương tiện dùng băng dính đen sửa biển số hay lấy giấy che biển số để đi qua các khu vực có camera giám sát, đặc biệt là các tuyến cao tốc nhằm trốn tránh bị xử phạt. Thậm chí, một số phương tiện vi phạm bị camera ghi lại còn có biển số trùng với một số phương tiện khác gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra xử lý.

Theo một cán bộ CSGT làm nhiệm vụ tại tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quá trình xử lý người điều khiển phương tiện che biển số xe ô tô lưu thông trên cao tốc gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra khi phát hiện phương tiện vi phạm phải bám theo sau đó ghi lại hình ảnh vi phạm để làm căn cứ xử phạt.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2022, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng. Cụ thể, theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng nếu không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.

Theo Nghị định 123, hành vi đón trả khách trên đường cao tốc bị phạt từ 10-12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Đối với hành vi nhận, trả hàng hóa trên đường cao tốc cũng bị xử phạt tương tự hành vi đón, trả khách.
MỚI - NÓNG