BHXH Việt Nam vừa có văn bản gửi toàn ngành về việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng. Chương trình nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng ngành BHXH; đáp ứng được yêu cầu ứng phó chủ động từ sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các cuộc tấn công mạng…
BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quán triệt nguyên tắc “Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng”. Cùng đó, hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động, gồm: Chủ động thực hiện phát hiện mối nguy hại, rà quét lỗ hổng trên các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý tối thiểu 6 tháng/lần.
Các đơn vị nghiêm túc thực hiện rà soát, phát hiện và khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu theo cảnh báo của BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng; chủ động theo dõi, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng để kịp thời xử lý, khắc phục và thực hiện các quy định về báo cáo sự cố an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dùng cuối để nâng cao ý thức cảnh giác đối với các cuộc tấn công mạng.
Trung tâm điều hành cong nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. |
Bên cạnh đó, bộ phận phụ trách công tác an toàn thông tin mạng của các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên: Làm đầu mối tiếp nhận, quản lý sự cố; ứng cứu, xử lý sự cố và phát hiện mối nguy hại; nghiên cứu, theo dõi các nguy cơ tấn công mạng, thông tin về lỗ hổng, điểm yếu…
BHXH Việt Nam giao Trung tâm Công nghệ thông tin phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đội ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành BHXH Việt Nam; tổ chức diễn tập thực chiến tối thiểu 1 lần/năm đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, nhằm đánh giá khả năng phòng ngừa xâm nhập và khả năng phát hiện kịp thời các điểm yếu về quy trình, công nghệ, con người.