Tăng cường đào tạo nhân lực kiểm ngư, tiến lên chính quy, hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường đào tạo nghề kiểm ngư có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân, cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) và Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế và Thủy sản vừa tổ chức khai giảng các lớp kiểm ngư chính quy khóa I, năm học 2023 - 2024. Trong đó, lớp cao đẳng kiểm ngư có 20 sinh viên, thời gian đào tạo là 2,5 năm; với lớp trung cấp kiểm ngư có 28 sinh viên, thời gian đào tạo 2 năm. Đây là hai lớp đào tạo nghề kiểm ngư chính quy đầu tiên trên toàn quốc.

Theo Cục Kiểm ngư, việc tổ chức được lớp đào tạo kiểm ngư khóa I rất quan trọng. Đây là một trong những nội dung cụ thể để thực hiện quyết định số 81, năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong đó yêu cầu: “Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh”.

Tăng cường đào tạo nhân lực kiểm ngư, tiến lên chính quy, hiện đại ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư

Thực tế, thời gian qua, nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển đang tiếp tục có xu hướng suy giảm nhanh chóng, cường lực khai thác lớn, phát triển thiếu bền vững.

Trong khi đó, tổ chức bộ máy để thực thi pháp luật tại các địa phương ven biển chưa được kiện toàn, thiếu đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên biển dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chiếm tỉ lệ cao.

Do vậy, để lực lượng kiểm ngư hoàn thành nhiệm vụ được giao, các địa phương quan tâm tới việc kiện toàn, thành lập lực lượng kiểm ngư chuyên trách tại địa phương, hoạt động đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao theo Luật Thủy sản năm 2017.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, với vai trò, trách nhiệm của lực lượng kiểm ngư trong tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển, chống khai thác IUU, việc phối hợp của lực lượng kiểm ngư với các lực lượng như cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng là rất quan trọng. Tuy vậy, nguồn nhân lực phục vụ cho kiểm ngư còn thiếu, nhất là các địa phương.

Do đó, việc tổ chức được lớp học đào tạo kiểm ngư chính quy đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ giúp cung ứng nguồn nhân lực cho lực lượng kiểm ngư, tạo tiền để phát triển lực lượng này thời gian tới.

Tăng cường đào tạo nhân lực kiểm ngư, tiến lên chính quy, hiện đại ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo thẩm quyền của tỉnh

Việc mở các lớp đào tạo nghề kiểm ngư cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm ngư cũng đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đề án lớn nhằm xác định rõ phương hướng, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể nhằm phát triển lực lượng kiểm ngư qua từng giai đoạn, gắn với những giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là từng bước hiện đại hóa lực lượng kiểm ngư; kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống địa phương để thực thi pháp luật về thủy sản trên tất cả các vùng biển (vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi). Đặc biệt, sẽ trang bị thiết bị hiện đại trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm ngư với tất cả lực lượng kiểm ngư vùng cũng như kiểm ngư tỉnh, thành phố có biển.

Tăng cường đào tạo nhân lực kiểm ngư, tiến lên chính quy, hiện đại ảnh 3

Cục Kiểm ngư cũng đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến lên chính quy, hiện đại

Lực lượng kiểm ngư cũng sẽ có Trung tâm chỉ huy để chỉ đạo thực thi pháp luật trên biển. Các tàu kiểm ngư khi hoạt động trên biển cũng sẽ được trang bị thiết bị hiện đại để bảo đảm thực hiện đầy đủ các chức năng được quy định tại Luật Thủy sản cũng như Nghị định 26.

Có thể nói, sau hơn 8 năm hoạt động, lực lượng kiểm ngư đã thực hiện tốt chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam. Qua đó điều tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản. Cùng với đó, lực lượng kiểm ngư cũng đã đồng hành, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên biển.

Đồng thời, lực lượng kiểm ngư cũng phối hợp với các lực lượng khác trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và các hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

MỚI - NÓNG