TAND Tối cao nói gì về chủ trương dựng tượng vua Lý Thái Tông?

TP - Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định chọn vua Lý Thái Tông (Hoàng đế thứ hai Nhà Lý, ở ngôi từ năm 1028 - 1054) làm biểu tượng công lý.

TAND Tối cao đề nghị thẩm phán, người lao động trong hệ thống đóng góp ý kiến nhằm lựa chọn 1 trong 3 mẫu tượng để đặt tại trụ sở các tòa án. Tuy nhiên, nhiều phản ứng trái chiều phản đối, cho rằng đúc tượng đặt tại các tòa án sẽ gây tốn kém.

Được hỏi về việc này, ông Ngô Tiến Hùng - Chánh Văn phòng TAND Tối cao khẳng định chỉ có chủ trương đúc, đặt tượng vua Lý Thái Tông bằng đồng đỏ nguyên khối (dự kiến cao 5,3m cả đế) tại Quảng trường Công lý trong trụ sở TAND Tối cao mới, nơi từng là trụ sở TAND TP Hà Nội và được xây dựng lại. Kinh phí dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. TAND Tối cao cũng không có chủ trương về việc đúc tượng tại trụ sở tòa án các địa phương.

Cũng theo ông Hùng, quá trình lựa chọn hình tượng vua Lý Thái Tông, TAND Tối cao đã phối hợp với nhiều đơn vị, chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và đạt được sự đồng thuận cao từ cán bộ công chức trong hệ thống. Tòa cũng xin ý kiến từ nhiều cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… về nhân vật lịch sử lựa chọn. Kết quả, các cơ quan đều đồng tình việc chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Trên thế giới có gần 100 nước lựa chọn biểu tượng công lý, nhiều nước lựa chọn các vị vua. Việc TAND Tối cao lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam luôn bảo đảm tính khách quan; có ý nghĩa, tác dụng khẳng định truyền thống thượng tôn pháp luật đồng thời tôn vinh những cống hiến của bậc tiền nhân. Ông Ngô Tiến Hùng cũng cảm ơn ý kiến đóng góp của dư luận và khẳng định: “TAND Tối cao sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để báo cáo Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông xem xét, quyết định”.

MỚI - NÓNG