Tận thấy nơi nuôi bò sữa bằng công nghệ cao

Tận thấy nơi nuôi bò sữa bằng công nghệ cao
TPO - Dự án chăn nuôi bò sữa của công ty TH True Milk nằm trong vùng đất rộng 37.000 ha trải liền mấy xã với một chu trình khép kín, từ trồng cỏ, sản xuất thức ăn, chuồng trại, vắt sữa và sơ chế...
Đàn bò của TH truemilk được gắn
Đàn bò của TH truemilk được gắn "chip" theo dõi.

Hơn 250 km đi dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, thay cho cái rét mướt và ẩm ướt mưa phùn của Hà Nội, huyện Nghĩa Đàn xứ Nghệ đón khách trong nắng và gió.

Dự án chăn nuôi bò sữa của công ty TH True Milk nằm trong một vùng đất rộng tới 37.000 ha trải liền mấy xã với một chu trình khép kín, bao gồm từ trồng cỏ, sản xuất thức ăn, chuồng trại, quy trình vắt sữa và sơ chế...

Hiện nơi đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc thành công đàn bò giống nhập ngoại hoàn toàn từ New Zealand và Úc với gần 20.000 con.

Sử dụng công nghệ cao từ A- Z

Mở ra đầu tiên trong “chuỗi” này là trung tâm điều khiển sản xuất thức ăn. Căn gác rộng chừng 15 m2 đặt một máy tính chủ, bảng điều khiển nối mạng cùng hệ thống máy tính chỉ cách ba “lò đứng” nghiền trộn thức ăn qua một tấm kính thêm vài chục sải chân.

Gil InBan hiện là giám đốc điều hành ba trang trại. Gil năm nay 42 tuổi, có vóc cao ráo, nụ cười hiền. Sau này, khi có dịp trò chuyện, anh kể sinh ra tại Isarel, từng có bằng Master về quản lý trang trại và kinh nghiệm quản lý 15 năm tại nhiều nước trên thế giới.

Hiện cứ vào cuối tuần Gil lại tranh thủ chạy xe cả dặm đường dài rời miền sơn cước về thăm vợ và ba con tại khu Ciputra Hà Nội. “Cả gia đình tôi đều yêu Việt Nam vì đất nước của các bạn xinh đẹp quá!” – Anh nói.

“Việc cung cấp thức ăn chất lượng cao là một khó khăn trong điều kiện của Việt Nam. Do vậy, chúng tôi áp dụng kỹ thuật tiến tiến đã được xây dựng tại Isarel và thử nghiệm tại nhiều nước nhiệt đới” - Vị chuyên gia này cho biết.

Theo anh, khẩu phần với nhóm bò tơ (đang cho sữa) bao gồm: mật rơm ủ chua, rơm lúa mì, bã mía ủ chua, cám đặt riêng, khô dầu hạt cải. Nếu là bò chuyển dạ còn có thêm loại cám tinh.

Với ba lò đứng này, mỗi ngày sẽ có 50 mẻ thức ăn với sản lượng 10 tấn/mẻ, cung cấp cho ba trại bò. Thức ăn sau khi trộn với các tỷ lệ do máy tính tự đong đếm sẽ được máy chuyên dụng nhận rồi chở đến trang trại đổ vào từng chuồng. Mọi thông tin về giao nhận sẽ chuyển về đây ngay trên máy trung chuyển.

Với giá thành 260 USD/tấn cỏ khô làm nguyên liệu thức ăn nhập từ Mỹ, việc sử dụng nguyên liệu trong nước được các chuyên gia tính toán sẽ tiết kiệm chi phí tới 90%.

Đường vào khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi và ba trại bò giống chạy qua con sông Sào.

“Nước được lấy lên từ đây, qua 16 bể lọc, có hệ thống lọc cát áp suất cao, rác thải sẽ được đưa quay trở ra ngoài, còn lại tiếp tục đi theo quy trình lọc tinh với công suất 160m3/giờ, toàn bộ dây chuyền đạt 3000 m3 nước/ngày. Qua hệ thống lọc kiểm nghiệm test tại Sở Y tế tỉnh Nghệ An, và phòng vi sinh cho thấy đủ tiêu chuẩn cho con người uống thẳng. Toàn bộ lượng nước lọc xong sẽ sử dụng cho việc ăn uống của bò tại 3 trang trại”- Những thông tin này, ít phút sau được cung cấp bởi cán bộ phụ trách nhà máy lọc nước.

Trung tâm vắt sữa vận hành tự động được quản lý bằng vi tính hoá theo công nghệ của SAE Afikim là một khối nhà lớn. Hệ thống vắt sữa hoàn toàn tự động với công suất 120 con/lần (ba lần/ngày) và khoảng 5-7 phút lần vắt.

Khu vực quan trọng này, vị trí “tổng quản” thuộc về một kỹ sư bò sữa Trần Đình Tuệ. Tuệ sinh năm 1984, quê gốc Trà Vinh và học Đại học nông nghiệp.

“Một lần tình cờ lên mạng thấy có học bổng về chuyên ngành bò sữa tại Isarel, em đăng ký xin và cắp tráp đến xứ người học hỏi” - Tuệ kể.

Hai năm gắn bó với trang trại này, yêu và hài lòng với công việc, theo lời Tuệ, hiện những con bò nhập từ New Zealand về đang cho sữa trung bình hơn 30 lit/ngày. Cá biệt con cho nhiều nhất là 52 lít/ngày trong khoảng 15 ngày liền.

Lúc chúng tôi có mặt, một mẻ sữa vắt vừa xong. Đàn bò xếp hàng phía bên ngoài chờ “bọn” phía trong đi ra, rồi theo hiệu lệnh của những công nhân ở đó, những "nàng bò" lần lượt tìm vào ô chuồng nơi có gắn máy vắt sữa. Liền ngay, một vòi nước nhỏ xíu được xối trực tiếp vào để rửa ti… bò rồi máy sữa được áp vào.

Để kích thích sự tiết sữa, bò được thư giãn, nghe nhạc. Tiếng nhạc Mozart nổi lên cùng với tiếng hô “hây, hây” nghe rất vui tai. Theo đó, sữa tươi được vắt ra sẽ đi vào bốn bể nhỏ có dung tích 1000 lít.

Qua những cốc lọc chuyên dụng sẽ lọc thô toàn bộ ở nhiệt độ 37 độ C rồi đi qua hệ thống làm lạnh để đi vào bể chứa lớn với nhiệt độ từ 3-4 độ C, là nhiệt độ bảo quản tối ưu nhất. Sữa được chuyển sang các xe bồn bảo quản lạnh và có mặt tại nhà máy chế biến vào đóng gói tại Hưng Yên sau đó 28 tiếng.

Một buổi chiều tham quan quy trình khép kín nuôi bò lấy sữa qua đi đánh vèo. Cả đoàn người  ai cũng ngập trong cái hăng hắc của mùi bò, mùi cỏ mật, bã mía và cả sữa tươi mới ra lò.

Điểm đển cuối cùng là những cánh đồng trồng nguyên liệu như cỏ mật, cao lương và ngô. Phải chờ đến hôm sau vì trời tối lại cách thêm hơn chục km đường đất đỏ. Tận thấy hết thảy mọi việc từ cấy trồng, chăm sóc, tươi tiêu những cánh đồng chạy dài ngút mắt rất ít sự có mặt của con người mới thấy “choáng” của việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Được biết, hiện công ty đang sử dụng khoảng 900 lao động địa phương cho tất cả các bộ phận với thu nhập thấp nhất 3,2 triệu đồng/lao động.

Bà
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH.

Thách thức và chinh phục

Hơn một ngày nán lại trang trại bò, chúng tôi đã gặp thêm cán bộ dự án và các chuyên gia người Isarel đang giám sát quy trình chuyển giao công nghệ về các phần mềm nuôi bò sữa của công ty AfikimMilk (Isarel) với TH True Milk.

Theo lời giới thiệu của ông Tal, giám đốc điều hành dự án AfikimMilk là công ty về công nghệ sản xuất luôn ứng dụng những phát minh đầu tiên trên thế giới đảm bảo làm sao cho những con bò được phát triển và cho sữa trong điều kiện tốt nhất. Hệ thống và thiết bị và phần mềm quản lý đàn bò đang hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên khắp năm châu lục với 75 % thị phần tại Isarel và 25% trên thế giới.

Ba trại bò cách khu sản xuất thức ăn chừng 10 phút xe chạy. Tại đây, bò được sống trong những khu chuồng xung quanh có sự bảo vệ khá kỹ. Hệ thống chuồng trại cao ráo đi kèm sự bố trí những chiếc quạt gió mạnh phía trên. Việc xây dựng đã được các chuyên gia Isarel tính đến thời tiết khắc nghiệt của mùa hè Việt Nam.

“Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, nhiệt độ cao, độ ẩm nhiều. Tuy nhiên, tại đất nước Isarle, thời tiết còn khắc nghiệt hơn. Do đó, chúng tôi xác định áp dụng thật chuẩn xác công nghệ làm thoáng ngay cả mùa gió Lào, nhiệt độ trong nhà phải đảm bảo thấp hơn bên ngoài ít nhất 4 độ C. Mặc dù vùng này không có bão nhưng nhà ở của bò được thiết kế với độ chịu lực rất cao” - Ông Tal cho hay.

Sau hai năm “ba cùng” tại mảnh đất này thực hiện việc chuyển giao công nghệ nuôi bò từ A đến Z, cảm nhận của đội ngũ chuyên gia thế nào? So sánh các trang trại này với trang trại trên thế giới, liệu thời tiết và khí hậu Việt Nam sẽ thích nghi với đàn bò? Và đâu là những khó khăn thách thức dự án đã gặp phải?...

Trước một loạt câu hỏi, các chuyên gia Isarel khi nghe chị Lãm, giám đốc AfikimMilk tại Việt Nam dịch lại nhìn nhau... cười. Một lát, Gil thẳng thắn:“Tôi có thể nói với các bạn thế này, đây là dự án vô cùng đặc biệt. Về quy mô, có thể xem là một trong những trang trại lớn trên thế giới và hiện là lớn nhất Đông Nam Á (tại các trang trại ở New Zealand hay Úc, đa phần do nông dân nuôi tự phát thì số lượng lớn nhất vào khoảng 3.500 con/ trang trại - chị Lãm với kinh nghiệm đi một số nơi nuôi bò sữa bổ sung thêm)”.

Thách thức nữa, theo Gil, chính là bệnh dịch của bò. Cũng vì điều đó, ban quản lý trang trại cho xây dựng hành lang bảo vệ trong bán kính 1km bằng việc cung cấp văc xin miễn phí và cử cán bộ y tế xuống từng hộ dân có trâu bò để tiêm phòng.

Việc khám sức khoẻ định kỳ cùng với việc theo dõi đàn bò qua hệ thống gắn chip để biết thể trạng từng con. Hễ con nào ốm là hôm sau nghỉ cho sữa ngay.

Nói về thời gian chuyển giao dự án, các chuyên gia người Isarel có mặt đều thừa nhận sự học hỏi của đội ngũ cán bộ người Việt Nam tại trang trại là rất nhanh, chuẩn xác. “Hiện các bạn Việt Nam đã nắm được 90% quy trình xử lý” – Ông Tal nói.

Chuyến thăm trang trại bò kết thúc khi xe đi lướt qua dãy chuồng. Nhìn thấy khách lạ, những chú bê con xinh xinh mình trắng pha những đốm đen loang lổ đang ghếch mõm lên thành chuồng hay chạy nhảy vẻ như hoạt náo hơn.

“Vùng đất này bão không vào được. Với địa thế cao sông hồ, các chuyên gia Isarel đánh giá nếu biết khắc chế đây sẽ là nơi lý tưởng để nuôi bò. Tháng 7-2010, sau khi đưa lứa đầu tiên về Việt Nam, nuôi và lấy sữa thành công, chúng tôi tiếp tục việc mua tinh bò từ New Zealand để cho phối giống ngay tại trạng trại. Việc mua tinh rất đắt nhưng với công nghệ Mỹ, tỷ lệ thụ thai và cho bò cái đạt tới 95%”- Ông Ngô Minh Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn TH cho biết.

Theo ông Hải, sau hai năm, công ty đã có những lứa bò đầu tiên thuần chủng. Chúng đang được chăm sóc rất kỹ, dự kiến tháng 5 này sẽ chính thức cho ra mẻ sữa đầu tiên. Và cả trang trại đều đang hồi hộp đón chào..

Tháng 3-2012

Tổng quy mô Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH dự kiến lên tới 1,2 tỷ USD, bao gồm một chuỗi khép kín trạng trại bò, cánh đồng nguyên liệu, nhà kính sản xuất rau sạch, thịt bò sạch, thực phẩm dinh dưỡng.

Giai đọan 2 của dự án với tổng vốn tương đương đang bắt đầu. Theo đó, sẽ mở rộng thêm một trang trại bò sữa, xây dựng nhà máy chế biến phân vi sinh (lấy nguồn từ phân của đàn bò) và thực hiện dự án trồng rau sạch công nghệ cao với các khu nhà kính đang đi vào hoàn thiện chuẩn bị cho những lứa rau của quả đầu tiên trong năm nay.

Dự kiến đến năm 2017, đàn bò sẽ có 137.000 con có thể cung cấp sản lượng sữa tối đa 500 triệu lít/năm, đáp ứng 50% nhu cầu của thị trường.

Theo Viết
MỚI - NÓNG