Một dàn nhạc không thể đa dạng hơn cùng một nhà phối khí tài ba đáp ứng tất cả các chất nhạc mà chương trình yêu cầu. Nhạc trưởng nhiệt tình và… đủ khỏe để đứng chỉ huy từ đầu đến cuối. Hầu như tiết mục nào cũng có múa hoặc đạo cụ minh họa. Phần múa được biên đạo công phu, nhiều ý tưởng. Hệ thống màn hình LED thay đổi cảnh liên tục, với các hình ảnh thiết kế khá tinh tế theo từng bài hát. Ca sĩ cứ hết một, cùng lắm là hai bài lại thay một bộ váy áo mới. Tổng thể Trở về cho thấy sự chỉn chu và bao quát của chủ nhân từ lựa chọn cho tới kết hợp, giám sát… ê-kip.
“Trở về có ý nghĩa rất hay, nghĩa là cội nguồn không bao giờ bị mất. Như câu hát "Sữa nuôi phần xác/Hát nuôi phần hồn" trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, thì hồn mình phải nuôi chính là hồn dân tộc.
Tân Nhàn rất bận, vừa công việc ở trường, vừa đi hát, tôi thực sự không thể ngờ cô ấy lại về tận Thái Bình cùng tôi ngồi trao đổi về từng bài hát nhất là bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (lời: thơ Nguyễn Duy). Bài này có nhiều nghệ sĩ hát nhưng có thể cách hát của tôi có chất riêng mà Tân Nhàn thích. Còn bài Chân quê tôi trải lòng, độc thoại trên sân khấu mà nhận được tràng pháo tay dài từ khán giả, tôi thấy rất vui sướng. 35 năm biểu diễn rất nhiều nơi, lần này mới có cảm xúc mạnh mẽ, hạnh phúc như vậy”.NSƯT Đình Cương
Vậy nhưng “chủ đầu tư” không hề có dấu hiệu quá tải. Tân Nhàn vẫn đảm bảo làn hơi và kỹ thuật điêu luyện từ đầu tới cuối chương trình. Hình như từ khi gần với “các cụ”, Tân Nhàn hát tinh tế hơn, đa dạng hơn. Đặc biệt cô ý thức xử lý nhẹ nhàng vừa phải để các ca khúc dân gian không bị tự động đưa về âm hưởng miền Trung như thường thấy ở nhiều giọng ca khác. Có thể thấy giọng Tân Nhàn thiên về chất chèo, văn- cũng là những dòng nhạc truyền thống phổ biến của Hà Nam quê cô.
Tuy chia ra làm vài phần nhưng tựu trung lại Trở về gồm hai mảng chính: ca khúc mang âm hưởng dân gian và làn điệu dân gian nguyên gốc được phối mới. Ca khúc âm hưởng dân gian bất cứ ca sĩ nào theo dòng này cũng có thể hát được. Dòng này bài vở vốn không phong phú lắm, nên phải nói rất khó cho các ca sĩ khi làm cả một show nếu không có thêm nguồn bài khác. Vậy nhưng ca sĩ hát dân gian thường lại không trội trong các dòng nhạc khác để có thể tự mình làm phong phú chương trình. Tân Nhàn bằng nỗ lực tìm tòi và sự đầu tư nghiêm túc đã giải được bài toán này.
Để có được gần một tiếng thể hiện các tác phẩm dân gian (gần như) nguyên gốc, cô đã bỏ ra nhiều năm tìm tòi học hỏi và cho ra hai album phối lại chèo, xẩm, quan họ, hát văn. Phần nhạc truyền thống trong liveshow Tân Nhàn dầy dặn hơn hầu hết các liveshow cá nhân từng được tổ chức. Và những gì Tân Nhàn đạt được trong liveshow đầu tay riêng về mặt âm nhạc thôi đã giống như một cửa ải đầy thách thức đối với các ca sĩ dân gian làm liveshow sau cô.
Không thể không nhắc tới đóng góp quan trọng của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng trong vai trò phối khí đã xử lý các chất liệu một cách trơn tru, êm thấm. Có lẽ khó có được người thứ hai như anh để có thể tận dụng và phát huy được các thế mạnh của các dàn nhạc từ dây của giao hưởng tới jazz, nhạc nhẹ, nhạc dân tộc và tích hợp tất cả lại thành một tổng thể hài hòa và hiệu quả. Nền dàn dây khi hòa vào bản văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa thực sự khiến cho người nghe rưng rưng cảm xúc. Đây chính là tiết mục đỉnh cao của chương trình dồn tích những gì hay nhất, đẹp nhất, từ tiếng hát của cặp thầy trò Đình Cương, Tân Nhàn cho tới tay đàn nguyệt của thầy, hay những lời thơ “kinh điển” của Nguyễn Duy - vừa khít với làn điệu cờn ám ảnh.
Bài Chân quê do khách mời NSƯT Đình Cương độc diễn ngay sau đó là một trong vài tiết mục được vỗ tay dài nhất đêm nhạc. Sự sắp xếp khá thú vị ở chỗ Tân Nhàn sau khi bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật “tiếp thị” cho khán giả thấy cái hay cái đẹp của truyền thống, thì ngay sau đó truyền thống được giới thiệu ở trạng thái nguyên gốc.
Tiếng đàn tài hoa, lối hát “thổ tận can tràng” và làn điệu đã quá quen thuộc với số đông khán giả khiến cho tiết mục lập tức tạo được sự đồng cảm nơi người nghe. Nhạc truyền thống là thế. Mãnh lực của nó vẫn ở đó dành cho những ai muốn “vịn” vào để lớn mạnh. Nhìn ra và biết cách khai phá kho báu cha ông truyền lại, Tân Nhàn chẳng khác nào được “đứng trên vai người khổng lồ”. Về phía các nghệ sĩ thuần dân gian như Đình Cương, giá như họ có máu nghề của một ngôi sao hoặc được đầu tư sản xuất, ê-kip hỗ trợ… để có được những album, liveshow- chắc chắn họ sẽ đưa nghệ thuật dân gian gốc lên một tầm chuyên nghiệp mới.
Bằng “mắt xanh” của người làm nghề, Tân Nhàn còn nhìn ra chất “nổi loạn” của Ngô Hồng Quang - người vừa có khả năng soạn nhạc lại đầy đủ các kỹ năng trình diễn và biến báo trong cả hai dòng dân gian và đương đại. Nhàn tự thấy mình vẫn hơi hiền, vẫn “điên” trong khuôn phép, nên muốn mời Quang tham gia cho chương trình thêm màu sắc đương đại. Nhưng rất tiếc do Trở về rời lịch diễn tới 3 tuần (vì Cung VH Hữu Nghị được trưng dụng cho sự kiện lớn) nên Ngô Hồng Quang (hiện sống và làm việc ở châu Âu) không thể về tham gia như đã hẹn.
Tân Nhàn hứa hẹn sẽ làm những chương trình thuần dân gian và mời nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên về dân gian lên sân khấu cùng mình. Với cách làm của Tân Nhàn và tiềm năng vẫn còn rất phong phú của nghệ thuật truyền thống, điều này hoàn toàn khả thi. Nếu chủ nhân không chi quá bạo tay cho những yếu tố thị giác như show Trở về (được biết kể cả thiệt hại do hoãn ngày diễn, Tân Nhàn tốn gần 5 tỷ đồng), những đêm diễn tri ân truyền thống biết đâu còn lãi.
Khán giả Hà Nội từng hào hứng đón nhận sự kết hợp giữa Ngô Hồng Quang, Mỹ Linh và Nguyên Lê trong bài xẩm Mục hạ vô nhân nay lại được xem Tân Nhàn cùng NSƯT Văn Ty hòa ca trên nền nhạc của Trần Mạnh Hùng. Nếu có Ngô Hồng Quang, chương trình sẽ chạy đúng đường dây từ những ca khúc âm hưởng dân gian tới dân gian phối lại, dân gian nguyên gốc và dân gian đương đại đúng nghĩa. Nhưng dù sao thì khép lại chương trình vẫn phải là chủ nhân trong một tiết mục nghệ thuật tổng hợp Cô đôi Thượng Ngàn đã được gia tăng về cả phần nghe và phần nhìn.