Tản mạn trước Dinh Thủ tướng Nhật

Tản mạn trước Dinh Thủ tướng Nhật
TP - Thủ tướng Shinzo Abe, cà vạt xanh dương, bộ vét kẻ sọc trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, nét mặt nhẹ sáng, hướng cái cười cởi mở sang Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn trăm nhà báo quốc tế, ông nói: Hôm qua nhà tôi đi núi Phú Sĩ với phu nhân Thủ tướng Việt Nam về có ngỏ cùng tôi rằng, trời hôm nay đẹp. Tôi thầm nghĩ, thời tiết chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đẹp như mối quan hệ của hai nước chúng ta vậy…

> Nhật Bản giúp Việt Nam triển khai hàng loạt dự án quan trọng
> Nhật Bản cấp 2.000 tỷ Yen cho các dự án ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Đức Tám - TTXVN.

Có phải cái thạo khéo của ông phiên dịch người Nhật đã chuyển ngữ khá thành công lời bộc bạch của Thủ tướng Nhật Bản chăng mà mọi người đều bật lên tiếng cười vui vẻ khiến không khí trang trọng mang hơi hướng khánh tiết trong Dinh Thủ tướng đất nước Mặt trời mọc thoắt đượm không khí thân mật?

Sắc nắng trưa vàng ong chớm đông xứ Phù Tang ngồi trước Dinh Thủ tướng Nhật đợi buổi họp báo chung giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản của cuộc thăm chợt nhớ ngày tháng 10, bảy năm trước…

Thời gian cùng thời vận, bao thứ đổi thay... Những thất thường của thời tiết chính trị xứ này nơi khác nhưng hình như cái tình Nhật - Việt chỉ có dày dặn bền chặt hơn?

Ngày đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Shinzo Abe (hình như chợt thoáng thấy bảy năm sau, thời gian quên không đụng tới ông thì phải?) Vẫn mái tóc chải ngôi giữa ấn tượng, khi nói cũng như bước có cái nét hao hao dáng vẻ mau mắn khoát hoạt của Thủ tướng Koizumi, người từng nhận được Giải thưởng thời trang nam năm 2002 (chợt nhớ thêm có lần tờ Yumuri Shimbun có thuật lại mối thân lẫn thâm tình giữa Thủ tướng Koizumi bằng câu nói như thế này Nếu chú không có năng khiếu về thời trang thì chú không thể làm Thủ tướng được... Ông Abe học ông Koizumi không chỉ thời trang mà nhiều khoản trong việc quản trị một nền kinh tế mạnh thứ 2 thứ 3 thế giới. Ngày đó, ông Abe chưa là chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia và Nhật Bản mới chỉ khiêm tốn ở vị thế Cục phòng vệ chứ chưa bài bản Bộ Quốc phòng như bây giờ? Và riêng địa hạt binh bị, Thủ tướng còn phải phụ thuộc, còn phải xin ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng. Hai Bộ vẫn có chính sách riêng về an ninh. Nhưng với vị thế mới này, từ nay, Thủ tướng Nhật sẽ là người trực tiếp đưa ra các quyết định quan trọng với sự tham mưu của Hội đồng an ninh quốc gia.

Chỉ trong hai năm 2012 và 2013, ODA cho Việt Nam của Nhật đạt mức kỷ lục gần 12 tỷ USD. Nên nhớ trong suốt 25 năm, một phần tư thế kỷ, mức ODA của Nhật cho Việt Nam là 35 tỷ USD. Hội đàm vừa kết thúc, ngó vẻ cả cười của hai nguyên thủ Nhật - Việt, các nhà báo cũng đọc nhanh được cái vị hanh thông của công việc.

Từ thời điểm cuộc thăm tháng 10/2006 ấy, mối quan hệ hai nước tiếp tục nồng ấm. Trùng hợp hay là ngẫu nhiên? Chả biết. Nhưng hai ông Thủ tướng Nhật - Việt cùng có mấy cái đầu tiên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử chức thủ tướng, lần đầu thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản. Thủ tướng Nhật cũng tái đắc cử, khởi đầu việc xuất ngoại là thăm Việt Nam. Chỉ biết hãng Kyodo khổng lồ trong giới truyền thông Nhật Bản soi khá kỹ các chuyến ấy với nhận định thế này: “Quan hệ đối tác chiến lược Nhật - Việt đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua. Sau khi đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Nhật Bản vào tháng 10/2006, tháng 11 năm đó Thủ tướng Abe cũng đã sang thăm Việt Nam. Sau đó các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên được diễn ra”.

Để ý có một lúc trên chuyên cơ, trong mấy anh em ngồi với Thủ tướng, một anh tò mò hỏi về hai cuộc điện đàm của Thủ tướng Shinzo Abe với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mà báo chí lẫn văn kiện ngoại giao nhắc tới gần đây là vào thời điểm nào? Trong bao lâu và nội dung? Qua chất giọng cởi mở vui vẻ của Thủ tướng, được biết thêm cuộc điện đàm thứ nhất là thời điểm cựu Thủ tướng Shinzo Abe cuối năm 2012 đắc cử Thủ tướng Nhật. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Abe bộc bạch với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, Đông Nam Á sẽ là địa bàn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản thăm. Cuộc điện đàm thứ hai là sau khi thăm hữu nghị chính thức Việt Nam đầu năm 2013 ấy, Thủ tướng Shinzo Abe, cũng thời lượng 20 phút như cuộc gọi lần trước (qua phiên dịch chỉ còn 10 phút) cũng vẫn là những sách lược chiến lược đường hướng sao cho chất lượng hiệu quả giữa hai đối tác chiến lược với nhau.

“Tôi muốn thực hiện một chuyến đi tạo ra điểm nhấn trong nhiệm kỳ mới của mình, nội các Nhật Bản luôn ủng hộ và nhất trí cao trong việc mở rộng hợp tác với ASEAN”, hãng tin Kyodo trích lời ông Abe phát biểu trước chuyến công du của ông.

Ông Thủ tướng có cách làm riêng “Tôi cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng của Nhật Bản thông qua một quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn đó là ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Tôi tin rằng, Nhật Bản đã trở nên quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, chúng ta cần tạo ra một phương hướng phát triển chiến lược mới và mở rộng về phía Đông Nam của châu Á là một hướng đi hợp lý.

Và tôi mong muốn các công ty lớn của Nhật Bản cần xem các quốc gia Đông Nam Á là một nơi để tìm kiếm cơ hội đầu tư có hiệu quả…”, phóng viên BBC thường trú ở Tokyo, Rupert Wingfield-Hayes thuật lại nội dung buổi phỏng vấn Thủ tướng Shinzo Abe trước chuyến công du ASEAN của ông.

Và sự kiện ngày 14/12, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN- Nhật Bản, Nhật Bản đã hào phóng với vốn đầu tư ODA 20 tỷ USD cho cộng đồng ASEAN là một minh chứng sinh động cho cái cách riêng của Thủ tướng Nhật Bản?

Cao hơn thế, ngay ngày hôm sau Thời báo Nhật Bản số ra chủ nhật 15/12 đậm trên trang nhất tấm hình các nguyên thủ quốc gia ASEAN và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe với vòng tay kết nối kèm bài viết Nhật cùng ASEAN khẳng định quyền được bay cùng tít phụ hơi bị mạnh bạo na ná như khẩu khí của ông Thủ tướng xứ Phù Tang từng không dưới vài ba lần đã dõng dạc chỉ đích danh cụ thể mối gây rối cùng là hiểm họa cho hòa bình an ninh khu vực châu Á.

Mới đây thôi, kết quả bầu chọn của nhật báo Strait Times. Hãng tin hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á này đã bầu chọn Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành “Người châu Á của năm”.

Tờ Straits Times khẳng định tại châu Á hiện nay, ông Abe và ông Tập Cận Bình là hai nhà lãnh đạo có trách nhiệm lớn nhất trong việc xây dựng nền kinh tế nước nhà, đồng thời, góp phần vào việc duy trì hòa bình châu Á và mở đường dẫn đến sự thịnh vượng chung toàn khu vực.

Tờ Straits Times cũng đề cập đến sự căng thẳng trên biển Hoa Đông. Chừng như cũng để nhắc khéo này khác rằng, một góc lớn hành tinh châu Á của nhân loại liệu có được yên hàn hay ngược lại cũng phần lớn phụ thuộc vào việc điều hành chèo lái của nhị vị này?

Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia bắt đâu từ thời điểm chuyến thăm tháng 10/2006. Thời điểm đó, vốn ODA của Nhật dành cho Việt Nam dẫu đứng đầu trong các nước nhưng cũng mới mức khiêm tốn. Vậy mà chỉ trong hai năm 2012 và 2013, ODA cho Việt Nam của Nhật đạt mức kỷ lục gần 12 tỷ USD. Nên nhớ trong suốt 25 năm, một phần tư thế kỷ, mức ODA của Nhật cho Việt Nam là 35 tỷ USD. Hội đàm vừa kết thúc, ngó vẻ cả cười của hai nguyên thủ Nhật - Việt, các nhà báo cũng đọc nhanh được cái vị hanh thông của công việc. Thủ tướng Shinzo Abe nán lại chuyện trò thêm một lúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thì đây là kết quả. Tiền tươi thóc thật, ấy cũng là cách gọi vui của việc giải ngân cụ thể ODA giai đoạn I của năm 2013 là 550 triệu USD cho những dự án cải tạo mở rộng điện Đa Nhim, vành đai Hà Nội vv... Giai đoạn 2 là 100 tỷ Yên (1 tỷ USD).

Hôm nói chuyện với bà con Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, trong câu chuyện, Thủ tướng có bộc bạch đại ý, con số hàng ngàn tỷ USD mà Nhật Bản vừa mạnh bạo vừa sáng tạo đầu tư ra nước ngoài, tất nhiên Nhật Bản vẫn luôn là số 1 trong việc cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam nhưng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn 1% trong tổng vốn FDI của Nhật ở nước ngoài.

Ngồi ở xứ người, nghe những thông tin đại loại vậy cứ thấy có dư vị là lạ? Rõ ràng cụm từ tưởng đã cũ và mòn sáo là chưa xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị đang hồi tốt đẹp hanh thông giữa hai nước mà ngạch ngoại giao thi thoảng vẫn dùng chẳng phải là không có lý?

Mối quan hệ nồng ấm nhất là tin cậy chính trị giữa hai quốc gia Nhật - Việt phải chăng chính là thiên thời địa lợi, là cú hích để hút nguồn vốn đầu tư của Nhật? Thoáng nhớ lại vẻ ưu tư của Thủ tướng khi có nhà báo đặt câu hỏi đại loại như vậy… Ông thẳng thắn bộc bạch luôn rằng, nếu đó là thiên thời địa lợi thì phải có cả yếu tố nhân hòa nữa. Nhân hòa đó là phải đẩy nhanh tiến trình đổi mới thực sự triệt để môi trường đầu tư, từng bước phù hợp thích ứng với thông lệ quốc tế. Thứ nữa, tăng cường ổn định chính trị xã hội cùng cơ chế thông thoáng chính sách minh bạch. Và cuối cùng là văn hóa với nhiều khía cạnh. Văn hóa kinh doanh văn hóa doanh nhân chẳng hạn vv…

Nhớ thêm đêm trước ngồi chuyện với một quan chức ngoại giao. Ông cho biết, trong Hiến pháp Nhật Bản có một điều khoản gần như cái ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấy là câu Cán bộ đảng viên phải thật sự gương mẫu là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Hỏi thêm thì được biết, trong Hiến pháp Nhật có một điều như thế này Tất cả các quan chức và nhân viên hành chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng.

Hơi ngạc nhiên nhưng cũng chẳng bất ngờ. Hình như những ý tưởng nhân văn nhân bản thường được thể hiện và gặp nhau ở các bản Hiến pháp? Có cái độc đáo là từ đầy tớ đã mang một sắc thái biểu cảm, đặc thù của xứ Á Đông?

Chợt giật mình cái nỗi, cải cách hành chính cùng chất lượng phục vụ của cán bộ trong bộ máy có lẽ luôn là mối lo thường trực là điều răn không chỉ riêng một quốc gia nào?

Và hình như đó là nét tương đồng về văn hóa Việt - Nhật, dẫu còn đang tiềm ẩn chưa được giới nghiên cứu phát lộ?

Đêm 15/12/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG