Bạt ngàn đào rừng về phố
Những ngày này, nhiều tuyến phố ở Hà Nội bày bán đào rừng với lời chào mời mua đào có đủ nguồn gốc xuất xứ như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La…Riêng dọc đoạn đường từ Nghi Tàm, Âu Cơ đến chợ hoa Quảng Bá có hàng chục địa điểm bán đào rừng. To nhỏ đủ cả, thậm chí có cành đào được cắt sát gốc, đường kính cả vài chục cm.
Theo ông N.V.V, một người bán đào rừng trên phố Âu Cơ, để có được 40 cành đào rừng bán dịp Tết, trước đó khoảng 1 tháng, ông và bạn phải lặn lội lên tận Sa Pa (Lào Cai), Tú Lệ (Yên Bái) gom hàng của người dân. Do cành đào to, để vận chuyển, ông phải buộc túm cành đào lại, thuê xe container chở về. Cũng vì thế, giá đào rừng tương đối đắt.
“Những cành đào trên đó mua 1 triệu thì về dưới này phải bán giá 5 – 7 triệu. Chủ yếu do tiền vận chuyển xa và khó. Hơn 300 cây số chứ ít đâu”, ông V. nói.
Cũng theo ông V., hàng đào rừng kén khách vì không phải ai cũng đủ điều kiện để chơi. “Đầu tiên phải là người có tiền. Nhiều cành đào đắt, giá hàng chục triệu. Với lại nhà phải to, rộng để cho phù hợp”, ông V. chia sẻ. Theo ông, hoa đào rừng có nét hoang sơ, rừng núi nên nhiều người thích. Hơn nữa, việc sở hữu một cành đào rừng trong dịp Tết khiến gia chủ thêm “oách” với người đến chơi.
Theo khảo sát của phóng viên, đào rừng chủ yếu được thu mua ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang. Tùy độ to của cành đào, nụ hoa, vết mốc ở trên cành… giá trị cành đào càng được đẩy lên cao. Một người bán đào rừng khác trên phố Nghi Tàm tiết lộ, có những cành đào rừng được mua với giá vài chục triệu đồng vì hoa to, đẹp, dáng như đào cảnh ở Nhật Tân.
Mua cả gốc đào rừng
Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, từ hơn một tháng nay, các chủ vườn đào ở Nhật Tân đã chuẩn bị cho vụ đào sau. Các chuyến xe vận chuyển gốc đào cổ thụ hàng chục năm tuổi đổ về các chủ vườn.
Gốc đào rừng được vận chuyển từ các tỉnh miền núi phía Bắc về Nhật Tân. Ảnh: Trường Phong
Sau khi mua gần 20 gốc đào, anh N.B.T cùng 2 người thân mang cưa máy ra cưa gốc, cắt rễ đem trồng. Theo anh T., mỗi gốc đào có giá từ 1 – 2 triệu đồng, chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh miền núi phía Bắc về. Anh Thùy tiết lộ, việc cắt rễ không ảnh hưởng gì đến sức sống của cây, trái lại sẽ giúp cây dễ sống hơn.
Dẫn phóng viên đi xem vườn đào cổ thụ mới trồng, anh N.Q.D chia sẻ, vừa chi ra khoảng 150 triệu để mua 100 gốc đào cổ thụ từ miền núi. Anh tiết lộ, nguồn đào chủ yếu lấy từ Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng. “Lấy đào về mình phải cưa bớt rễ, nếu cây bị rệp phải ngâm thuốc trước khi trồng”, anh D. chia sẻ.
Theo anh D., đào rừng ở trên núi thường sống trong điều kiện khắc nghiệt, nên chuyển về vùng Nhật Tân, được chăm sóc cẩn thận sẽ phát triển rất nhanh. “Mình phải chăm sóc cẩn thận, uốn thân, tạo kiểu mới. Thường thì sau 1 đến 2 năm những gốc đào này lại nở hoa bình thường. Những gốc đào này được ghép với đào Nhật Tân nên hoa đẹp, gốc to, lại có thế đẹp nên giá rất đắt”, anh D. nói.
Với việc đào rừng lũ lượt về xuôi phục vụ nhu cầu dân chơi mỗi dịp Tết Nguyên đán thì cũng đồng nghĩa ở các khu rừng trở nên hoang tàn, xơ xác. Bởi để săn được những cành đào đẹp, đào to, người ta sẵn sàng chặt phá mọi thứ để săn đào cho bằng được.
Không chỉ đào cành, những ngày giáp Tết, những gốc đào cổ thụ ở vùng cao cũng được đào lên, cắt rễ vận chuyển về Hà Nội phục vụ nhu cầu chơi hoa, trồng hoa của dân thành thị.
Đào rừng về xuôi, mua vui thành thị để nỗi lo và nỗi đau ở lại với núi rừng.