Tận đáy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiếc tàu lặn mang tên Titan được ghi nhận đã “nổ tung”, đúng hơn là bị xé nát trong phần ngàn giây bởi áp suất khủng khiếp dưới đáy biển Bắc Đại Tây Dương hôm 18/6 vừa rồi, khi tiếp cận xác con tàu Titanic.

Năm người bên trong chiếc tàu lặn này, trong đó có tới 3 tỷ phú đô la, và một nhà hải dương học nổi tiếng đã từng 35 lần lặn xuống xem xác tàu Titanic.

Cả thế giới bị sốc. Và xuất hiện vô vàn những bình luận chỉ trích, biếm nhạo sự ‘dại dột’ của những con người ấy. Như lẽ thường, rằng ai không “khôn ngoan” được như mình đều đáng bị công kích (?).

“Tôi đang ở đây, nơi xa xôi nhất trái đất, nơi đã mất tất cả thời gian, năng lượng và công nghệ để tiếp cận và tôi thấy mình là con người đơn độc nhất hành tinh, hoàn toàn bị cắt đứt khỏi nhân loại, không có cơ hội được giải cứu ở một nơi mà mắt con người chưa từng thấy…”. Đó là cảm giác của James Cameron cách đây 11 năm, là người đầu tiên một mình trong chiếc tàu lặn chạm được đáy rãnh Mariana - phần sâu nhất của mọi đại dương trên trái đất, sâu tới gần 11 ngàn mét, còn hơn cả độ cao hơn 8.800 mét của đỉnh Everest. Cũng như hơn 30 lần đạo diễn lừng danh này từng lặn xuống đáy đại dương tiếp cận xác tàu Titanic, để làm nên bộ phim kinh điển cùng tên vào năm 1997, cùng những siêu phẩm khác.

Trong chiếc tàu lặn mang tên Deepsea Challenger (Kẻ thách thức biển sâu) ấy, ở nơi sâu nhất dưới đại dương ấy, James Cameron đã nhìn thấy một đồng bằng rộng lớn, tiếp giáp với những hẻm núi với các môi trường sống khác nhau…

Thật trùng hợp với những gì thuyền trưởng Nemo và những vị khách được chứng kiến dưới đáy Đại Tây Dương trong “Hai vạn dặm dưới đáy biển”– cuốn sách viễn tưởng mà đứa trẻ nào trên hành tinh này cũng một thời mê đắm, được Jules Verne viết từ hơn 150 năm trước. Khi nhóm người rời khỏi chiếc tàu ngầm mang tên Nautilus để đi bộ dưới đáy đại dương như trên mặt đất, băng qua những mỏm núi, những khu rừng hóa thạch, cả những cao nguyên. Và lạc vào lục địa Atlantis từng bị núi lửa nhấn chìm xuống đáy biển theo như thần thoại Hy Lạp.

Năm ngoái học sinh lớp 12 làm bài thi về “Chiếc thuyền ngoài xa”, đã không có cơ hội liên tưởng đến chiếc tàu Titan vừa vỡ vụn dưới đáy sâu. Rằng đúng là cuộc đời không phải lúc nào cũng đồng nhất với nghệ thuật. Nhưng nói như James Cameron “Thất bại phải là một lựa chọn trong nghệ thuật và khám phá... Không có nỗ lực lớn lao nào đem lại sự đổi mới mà không gặp rủi ro. Thất bại là một sự lựa chọn, nhưng sợ hãi thì không”.

Biết bao nhiêu nhà thám hiểm đã không trở về, cả trên vũ trụ, trên những đỉnh núi cao lẫn đáy đại dương. Nhờ đó thế giới mới dần được khám phá và “thu nhỏ” lại, để giờ một đứa trẻ con với chiếc điện thoại thông minh cũng có thể ngắm nghía mọi ngóc ngách sâu xa nhất của những hành tinh.

Những người đàn ông vừa vĩnh viễn nằm lại dưới đáy thẳm đại dương vốn đều là những “siêu nhân” thực sự. Như tỷ phú phi công người Anh Hamish Harding đang nắm giữ kỷ lục bay vòng quanh trái đất nhanh nhất qua Bắc và Nam cực, và kỷ lục về thời gian dài nhất đi qua phần sâu nhất của đại dương trong một lần lặn,… Cuối cùng ông “đã mất khi làm những gì mình yêu thích”, như lời thông báo của gia đình.

Còn chúng ta là ai - những kẻ chưa bao giờ dám phút giây mạo hiểm với đam mê đời mình?

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.