Tân Chánh án TAND Tối cao: Nỗ lực để không còn án oan

TP - Trò chuyện với báo chí, tân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, tỷ lệ án oan trong những năm gần đây giảm đáng kể. Nhưng dẫu là một vụ thì nỗi đau do oan sai gây ra cũng rất lớn nên phải làm sao để không còn có vụ nào cả. Đó là sự phấn đấu, quyết tâm hết sức cao nhưng không chỉ là ý chí, mong muốn, hô hào mà phải có những giải pháp cụ thể.

Những nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị mới sẽ được ông ưu tiên chỉ đạo, thực hiện là gì?

Những việc trọng tâm nhất cần phải thực hiện trong năm nay là phải tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các bộ luật về tư pháp đã được Quốc hội thông qua, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng hành chính, Tố tụng dân sự. Đây đều là những bộ luật liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, có nhiều nội dung tiến bộ mà nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc thì chất lượng tư pháp nước nhà sẽ nâng cao.

Nhiệm vụ thứ hai mà chúng tôi sẽ thực hiện liên quan đến việc tiếp tục triển khai các quy định của Luật Tổ chức TAND, trong đó, việc bổ nhiệm thẩm phán các cấp phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, có cả xét tuyển và thi tuyển, đặc biệt thi tuyển quy mô quốc gia, đòi hỏi yêu cầu khắt khe để nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp.

Việc thứ ba là phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong đó có viện kiểm sát tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đặt ra trong các nghị quyết tư pháp của Quốc hội, trong đó có việc phải chống oan sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư về tư pháp tồn đọng - mà theo thống kê hiện nay số lượng rất nhiều, trở thành áp lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Chúng tôi sẽ có bàn bạc, phân định trách nhiệm rõ ràng xem việc nào thuộc cơ quan nào và có giải pháp tập trung để hy vọng trong hai năm 2016-2017 có thể giải quyết số lượng hàng chục nghìn đơn tồn đọng này. Đây là cái nợ nần mà chúng ta để quá lâu rồi…

Tân Chánh án TAND Tối cao: Nỗ lực để không còn án oan ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Khi còn là Viện trưởng VKSND Tối cao, trước Quốc hội, ông từng chia sẻ, đồng cảm nỗi đau của người bị oan sai. Vậy ông sẽ làm gì để có thể khắc phục chuyện này và phòng chống oan sai hiệu quả nhất trong thời gian sắp tới?

Chống oan sai là quyết tâm chính trị không chỉ riêng TAND Tối cao hay VKSND Tối cao mà còn là của Đảng,  Nhà nước, nhân dân. Bất kể ai vào vị trí của tôi cũng canh cánh nỗi lo này. Tỷ lệ án oan trong những năm gần đây giảm rất đáng kể, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các vụ án mà ngành tòa án đã xét xử. Số lượng như tổng kết, báo cáo của TAND Tối cao vừa qua cho thấy trong nhiệm kỳ qua chỉ có 3 vụ án oan trong tổng số gần 100.000 vụ xét xử là chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng đã là oan sai thì dẫu chỉ một vụ cũng là nỗi đau.

Chúng tôi cũng thấy rằng phải làm sao để không có vụ nào cả là tốt nhất, lý tưởng nhất. Đó là sự phấn đấu, quyết tâm hết sức cao nhưng không chỉ là ý chí, mong muốn, hô hào mà phải có những giải pháp cụ thể. Tới đây, các bộ luật liên quan đến tố tụng hình sự sẽ có hiệu lực và đã đưa ra rất nhiều giải pháp để hướng tới mục tiêu chống oan sai, như đảm bảo thuận lợi cho luật sư tiếp cận vụ án, nguyên tắc tranh tụng tại tòa, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, tính công khai minh bạch và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng... 

Luật pháp rất nghiêm minh nhưng thực tế vẫn có những cán bộ tư pháp bằng cách này, cách khác vi phạm, dính dáng đến tiêu cực làm ảnh hưởng đến cán cân công lý. Vậy việc xử lý cán bộ vi phạm, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của công dân sẽ được ông thực hiện như thế nào?

Chúng ta không muốn làm việc này nhưng chúng ta phải sòng phẳng. Cán bộ đã vi phạm thì phải có cách xử lý. Câu chuyện đặt ra từ xử lý về công tác tổ chức cán bộ, ví dụ như tôi không tái bổ nhiệm, không bổ nhiệm anh; nếu anh làm không hiệu quả thì tôi không giao anh làm việc này nữa mà phải điều anh đi làm việc khác thích hợp.

Cán bộ vi phạm thì phải xử lý kỷ luật theo các hình thức phù hợp. Còn nghiêm trọng hơn nữa như có tiêu cực, làm oan cho dân, tham nhũng trong quá trình tố tụng, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì phải xử lý. Lúc này không còn ở việc muốn hay không muốn nữa, mà Nghị quyết của Quốc hội đã xác định rõ chuyện này rồi. Nghĩa vụ của Chánh án là chấp hành. Tôi không thể vì thành tích hay gì đó mà bao che. Chúng ta phải làm nghiêm để người dân thấy. Làm nghiêm để đưa ra những bài học cho cán bộ khác.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.