Tân binh rạng rỡ ngày tòng quân

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô động viên thanh niên huyện Thanh Oai lên đường nhập ngũ, sáng 8/9.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô động viên thanh niên huyện Thanh Oai lên đường nhập ngũ, sáng 8/9.
TP - Sáng 8/9, chững chạc trong những bộ quân phục mới nguyên nếp gấp, những chàng trai Hà thành mười tám, đôi mươi lên đường tòng quân với tâm trạng hồ hởi, háo hức và cả sự hồi hộp khó tả khi lần đầu xa nhà theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Khi cử nhân, kỹ sư vào quân ngũ

Từ sáng sớm, dù trời mưa tầm tã, nhiều thanh niên của quận Hai Bà Trưng đã có mặt ở Trung tâm triển lãm Vân Hồ để đứng trong hàng quân. Tân binh Nguyễn Đức Nam (SN 1993, Phố Huế) vừa tốt nghiệp trường ĐH Đại Nam, gác lại công việc rộng mở phía trước vui vẻ nhập ngũ. “Bố mình là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nghe bố kể những chuyện trong quân ngũ, mình rất thích. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, mình sẽ tìm kiếm việc làm sau”, Nam bộc bạch.

Cũng giống Đức Nam, tân binh Lê Giang Nam (SN 1991) vừa tốt nghiệp trường ĐH Công nghệ Thông tin. “Mình đi bộ đội để hoàn thành nghĩa vụ với đất nước. Thời gian trong quân ngũ sẽ giúp mình trưởng thành, suy nghĩ chín chắn hơn trước khi tìm được một công việc phù hợp”, Nam nói. Đứng cạnh đó, chàng sinh viên Đặng Tiến Phương Nam (SN 1996) cho biết, trước khi nhận giấy báo lên đường nhập ngũ, bạn đang theo học tại trường Cao đẳng Xây dựng Hà Nội. “Mình đã làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập ở trường, đi nghĩa vụ về sẽ học tiếp. Biết mình đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, gia đình rất ủng hộ, mọi người luôn động viên để mình yên tâm lên đường”, Phương Nam tâm sự.

Nắm chặt tay nhau qua cửa kính ô tô, tân binh Phạm Văn Mạnh (SN 1991, ở quận Hai Bà Trưng) và cô bạn gái Ngô Tú Oanh trao nhau những nụ hôn đằm thắm trước khi xe chuyển bánh. Oanh cho biết hai bạn đã yêu nhau được hơn 2 năm. “Anh ấy lên đường nhập ngũ, em thấy buồn vì hai đứa sẽ không được gặp nhau thường xuyên. Nhưng em cũng vui vì hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp anh ấy không còn trẻ con như khi ở nhà. Em sẽ đi thăm anh ấy khi có cơ hội”, Oanh nói.

Rèn thân, lập nghiệp

Được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ân cần hỏi chuyện, động viên và trao tận tay chiếc gậy Trường Sơn - biểu tượng truyền thống cách mạng quê hương Ứng Hòa ngay tại sân vận động trung tâm huyện dưới cơn mưa nặng hạt, tân binh Phạm Phúc Hậu (18 tuổi, ở xã Đồng Tân) cho biết: “Trong bộ quân phục này, em cảm thấy tự tin hơn. Với em, quân đội là môi trường tốt để phấn đấu và trưởng thành”. Là một trong số những thanh niên của xã viết đơn tình nguyện nhập ngũ sớm nhất đợt này, Hậu quyết tâm rèn luyện để được ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội.

Là cán bộ Đoàn của phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, đảng viên trẻ Nguyễn Đức Kiên (SN 1993) thấy mình phải gương mẫu hơn nữa khi làm anh bộ đội. Xác định môi trường quân đội sẽ có nhiều khó khăn so với khi ở tại địa phương cùng gia đình, nhưng Kiên quyết tâm phấn đấu để gắn bó suốt đời với binh nghiệp. Nếu ước nguyện không thành, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương cũng sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Tân binh rạng rỡ ngày tòng quân ảnh 1

Thanh niên Thủ đô rạng rỡ trong ngày tòng quân.

Tạo nguồn cán bộ cơ sở

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Bùi Trọng Quỳnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, nét mới trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm nay là 13/13 địa phương đều điều động công dân đi khám sức khỏe không quá 3/1 chỉ tiêu giao quân (chỉ điều khám ba người để chọn ra một người).

Như mọi năm, công tác tuyển quân lần này được thực hiện “tròn khâu”, vì vậy việc thâm nhập theo phương châm “3 gặp, 4 biết” được giao hẳn cho địa phương nhằm phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở trong phối hợp với các đơn vị quân đội cùng cấp. Tuy nhiên, đây là năm đổi mới thi tuyển đại học, cao đẳng nên thời gian xét tuyển kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nắm nguồn và xét các trường hợp trong diện miễn, hoãn. Số thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự đi làm ăn xa rất nhiều hoặc đã ổn định công việc khiến công tác nắm nguồn, quản lý đối tượng gặp không ít khó khăn.

Cũng theo Đại tá Bùi Trọng Quỳnh, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đặc biệt, môi trường quân đội sẽ giúp các thanh niên có cơ hội rèn luyện, cống hiến và được đào tạo để tạo nguồn cán bộ cơ sở tại chỗ ở các đơn vị quân đội. “Để động viên thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như giao lưu văn hóa văn nghệ, thăm hỏi, tặng quà tân binh và gia đình, nhất là những trường hợp thuộc đối tượng chính sách với phương châm Liên hoan tại nhà - Tập trung tại xã - Giao quân tại huyện”, Đại tá Quỳnh nói.

Trong số 1.900 thanh niên Thủ đô lên đường nhập ngũ đợt 2 năm 2015, có 22% đạt sức khỏe loại 1 và 54% sức khỏe loại 2; tuổi đời trung bình từ 18 đến 25. Có 54% công dân nhập ngũ tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; 492 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. 

MỚI - NÓNG