Sau thành công của cuộc thi lần thứ nhất năm 2016, năm 2017, báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục phát động cuộc thi viết "Phụ nữ với trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị" lần thứ hai.
Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 500 bài dự thi của bạn đọc. Bên cạnh những cây bút quen thuộc, năm nay báo nhận được nhiều bài viết của các bạn đọc trẻ tuổi là Việt kiều, du học sinh đang sinh sống làm việc tại các nước trên thế giới.
Những bài dự thi cho thấy dường như mỗi người dân đều cảm nhận được sự cố gắng phục vụ nhân dân của lãnh đạo thành phố Hà Nội; cảm nhận được những chuyển biến rõ nét trong trật tự văn minh đô thị. Và tác giả Dương Hiệp là một trong số những người như vậy.
Tròn 6 năm tổ công tác 141 – một thương hiệu lớn của Công an Thành phố đi vào hoạt động, là từng ấy năm tác giả Dương Hiệp lăn lộn cùng các chiến sỹ trên những cung đường của Thủ đô.
Bài viết “Thức cho thành phố ngủ” của anh đã ghi lại những tâm huyết trăn trở, những sáng kiến xuất sắc, những đêm dài thức trắng, lặng thầm hy sinh hạnh phúc riêng tư của các chiến sĩ tổ công tác 141, với mong muốn không để tội phạm lộng hành, mang lại cho nhân dân những giấc ngủ ngon. Trong đó, chiến công xuất sắc nhất là chặn đứng và xóa sổ nạn đua xe trái phép đã tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận.
Độc giả Jasmine Nguyễn – một Việt kiều đang sinh sống tại bang Misouri, Hoa Kỳ đã gửi bài viết dự thi, chia sẻ những kinh nghiệm được “mắt thấy tai nghe” trong việc kiểm định phương tiện giao thông tại Mỹ. Những chia sẻ của tác giả đáng được trân trọng và nghiên cứu khi Hà Nội triển khai đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, trong đó có nội dung thu hồi xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Đề án nói trên cũng là mảng đề tài nhận được nhiều bài viết dự thi của các tác giả khác, ví dụ bài viết: “Ba giải pháp góp phần giải quyết ùn tắc giao thông” của Kiều Linh; “Xe buýt Thủ đô – hãy cùng chung tay xây dựng văn minh” của Ngô Thanh Thủy; “Khuyến khích sử dụng xe đạp, tại sao không” của Minh Nguyệt; “Nâng văn hóa giao thông lên tầm cao mới” của Trần Đình…
Về mảng đề tải văn minh đô thị, tác giả Nguyễn Thị Bích Hồng ghi dấu ấn với bài dự thi “Hồi sinh giếng cổ làng Mai” (đoạt giải Nhì).
Tác giả Bích Hồng cho biết bài dự thi của bà kể lại quá trình chị em phụ nữ khu dân cư số 5, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tự giác đóng góp tiền bạc và công sức xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan, khơi thông dòng chảy để làm “sống” lại giếng cổ.
Nhờ đó, nhiều thế hệ người dân làng Mai xưa tìm lại được những kí ức về tuổi thơ êm đềm, còn thế hệ trẻ có thêm không gian xanh để thư giãn, ngắm cảnh…
Từ hàng trăm bài dự thi, qua các vòng chấm công tâm, nghiêm túc, thận trọng, Ban giám khảo đã chọn ra 16 bài xuất sắc nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích, 5 giải Chuyên đề.
Bà Lê Thị Thiên Hương - PCT Hội LHPN Hà Nội (trái) và ông Lưu Xuân Bình - Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP (phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải Ba.
Thượng tá Đinh Thanh Thảo - Phó phòng Cảnh sát giao thông, CA HN (trái) và ông Trần Thanh Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương (phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì.
Giải Nhất thuộc về tác giả Dương Hiệp, tác phẩm "Thức cho thành phố ngủ". Hai giải Nhì thuộc về các tác giả Nguyễn Thị Bích Hồng với tác phẩm "Hồi sinh giếng cổ làng Mai" và tác giả Nguyễn Kim Loan với tác phẩm "Đám hiếu văn minh nơi làng quê". Ba giải Ba được trao cho các tác giả Hồng Ngọc - Hữu Tâm (tác phẩm "Mắt thần bảo vệ trẻ em"), Trần Hoàng Thiên Kim (tác phẩm "Tiệc hành lang chung cư - Lợi bất cập hại" và Jasmine Nguyễn (tác phẩm "Kiểm định xe tại Mỹ: Trông người ngẫm ta").