Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, gần đây quan hệ thương mại giữa quốc gia này và Việt Nam, Thái Lan là bổ trợ cho nhau. Quy mô thương mại giữa Campuchia và Việt Nam đạt 4 tỷ USD/năm, còn giữa Campuchia và Thái Lan đạt 6 tỷ USD/năm. Điều đó nói lên rằng “chúng ta không cạnh tranh nhau mà bổ sung cho nhau”.
Dẫn ra gạo là sản phẩm thế mạnh của các nước Mekong, ông Hun Sen cho rằng, thiết lập được một khối các quốc gia xuất khẩu gạo trong ASEAN sẽ giúp các nước hỗ trợ nhau, khai thác thế mạnh nông nghiệp vốn là lĩnh vực xương sống của khối.
Cho rằng các nước Mekong không nên ngại cạnh tranh, Cố vấn Myanmar - Daw Aung San Suu Kyi cho rằng cần cạnh tranh lành mạnh, biến khu vực Mekong thành mô hình bổ trợ lẫn nhau.
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong, sông Mekong là huyết mạch của 5 nước. Ông kiến nghị cần thúc đẩy hợp tác về logistics, giao thông, năng lượng, các hợp tác song phương, PPP, tạo nên hạ tầng số về ASEAN, từ đó kết nối mạnh mẽ hơn với thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, CMCN 4.0 không ảnh hưởng đến tầm nhìn của các nước Mekong. Hòa bình, ổn định, phát triển bền vững vẫn là hướng chủ đạo. Có thể thay đổi một số phương thức, động lực để phát triển. Chẳng hạn, Việt Nam đang phát triển chế độ kết nối viễn thông 3 nước.
“Chúng tôi thay đổi phương thức không chỉ dựa vào tài nguyên mà dựa vào đổi mới sáng tạo. Việc kết nối giúp mỗi nước năng động hơn, bao trùm hơn”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của vị thế địa chính trị, lãnh đạo 5 nước cũng khẳng định tôn trọng chính trị của nhau, độc lập chủ quyền với nhau, mãi mãi là anh em, cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển.