Tám nhạc sĩ phản đối đề cử Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc

Tám nhạc sĩ phản đối đề cử Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc
TP - Đề cử giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc của Hội Nhạc sĩ khiến nhiều nhạc sĩ đồng loạt lên tiếng phản đối. Ngoài Bắc có Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa. Trong Nam: Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng.
Một số nhạc sĩ không “phục” đề cử giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh của Hội Nhạc sĩ: Đoàn Bổng,Thế Song, Đinh Quang Hợp (từ trái sang). Ảnh: C.Chi
Một số nhạc sĩ không “phục” đề cử giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh của Hội Nhạc sĩ: Đoàn Bổng,Thế Song, Đinh Quang Hợp (từ trái sang). Ảnh: C.Chi.

Cuối 2010, có 68 nhạc sĩ được thông báo làm hồ sơ để xét đề cử Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đầu tháng 1-2011, những người “trượt” đề cử nhận được một thông báo với nội dung: Không đủ 3/4 số phiếu của Hội đồng cơ sở- tức hội đồng xét duyệt đề cử của Hội Nhạc sĩ.

Sau khi tìm hiểu danh sách 28 người được đề cử, 5 nhạc sĩ: Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa đã lên tiếng phản đối. Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Nhiều người trong số đó không có tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc và được công chúng ái mộ, mà đây lại là tiêu chí quan trọng của giải thưởng”. Do vậy, họ cùng nhau kí tên vào một lá đơn kiến nghị gửi lên Hội. Không nhận được hồi âm, các nhạc sĩ gửi đơn tới các cơ quan, ban ngành của Bộ VHTT&DL.

Bốn tháng sau, Hội Nhạc sĩ và đại diện Hội đồng xét duyệt đã có một cuộc đối thoại với những người bất đồng này, tuy nhiên sự việc vẫn không ngã ngũ. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp nói, khi ông đến lấy lại bộ hồ sơ của mình ở Hội Nhạc sĩ, niêm phong vẫn còn nguyên, chứng tỏ Hội đồng xét duyệt không mở đĩa nhạc ra nghe, xem. Ông Đoàn Bổng cũng đưa ra yêu cầu xem văn bản xét duyệt của Hội đồng, nhưng không thấy đưa ra.

Một trong những lí lẽ mà những người phản đối vin vào để “phản pháo” kết quả làm việc của Hội đồng, đó là hơn 300 tác phẩm gửi đến để xét duyệt bao gồm ca khúc, tác phẩm khí nhạc, lý luận… nếu nghe và đọc hết thì phải mất 1-2 tuần, trong khi Hội đồng chỉ mất hơn 2 ngày đã làm việc xong.

Ở phía Nam, sau khi cập nhật danh sách đề cử, các nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, Văn Thành Nho, Phan Long… cũng lên tiếng. Trương Tuyết Mai nói, bà vốn không “lăn tăn” nhiều khi bị loại khỏi đề cử, vì nghĩ những người xứng đáng hơn sẽ được chọn. Nhưng rồi bà thất vọng khi biết danh sách đề cử, và nhận định đây là một “bê bối”. “Dù hiền lành, nhịn nhục, vô tư đến đâu cũng không thể không phản ứng. Tôi vốn không muốn lên tiếng nhưng sẽ làm một văn bản với mục đích đánh động cho họ biết”, nữ tác giả Huế tình yêu của tôi nói.

Nhạc sĩ Văn Thành Nho: “Phải tới hơn chục người không có tác phẩm nào được công chúng biết đến, không đạt chất lượng nghệ thuật cao. Công chúng chính là hội đồng nghệ thuật vô tư nhất, các tác giả có những ca khúc được họ yêu mến thì lại bị gạt ra ngoài, dành chỗ cho những nhạc sĩ không có tác phẩm nào đủ sức vượt thời gian”.

Ông đặt dấu hỏi liệu đây có phải là việc làm “để chia chác danh hiệu và quyền lợi” của một số ít hay không, và đòi Hội Nhạc sĩ phải dân chủ, công khai quanh việc này.

Ông đề xuất ý kiến: Hội Nhạc sĩ nên họp mặt lại 68 vị đã đăng ký để đối thoại với Ban lãnh đạo Hội và Hội đồng nghệ thuật. “Niềm tin của chúng tôi ngày càng giảm sút. Tôi chắc chắn sẽ có ý kiến vì đây là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, để đảm bảo sự công bằng xã hội”, nhạc sĩ khẳng định.

Chung suy nghĩ, nhạc sĩ Phan Long muốn làm rõ chuyện để bảo vệ giá trị cao quý của giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Điện thoại của các thành viên trong Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ và Hội đồng xét duyệt lúc này thường ở tình trạng khó liên lạc.

Một thành viên giấu tên của Hội đồng nghệ thuật cho rằng, vấn đề ở đây là “văn mình, vợ người”, và giới nhạc sĩ thường ít phục tài nhau.

Hội đồng cơ sở bao gồm các nhạc sĩ: Trần Long Ẩn (Chủ tịch Hội đồng), Phan Huỳnh Điểu, Ca Lê Thuần, Chu Minh, Đôn Truyền, Phạm Ngọc Khôi, và GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Theo tin từ nhạc sĩ Đoàn Bổng, ngày 27-6, hai người được bổ sung thêm vào Hội đồng cơ sở là GS Trọng Bằng và NSND Trung Kiên.

Danh sách 28 đề cử vẫn giữ nguyên, chỉ xét bổ sung thêm để gửi lên Bộ VHTT&DL. Cả giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đều được xét căn cứ trên danh sách này. Số lượng người đoạt giải không hạn chế, tùy tình hình thực tế. Cả 8 nhạc sĩ phản đối đợt này đều nộp hồ sơ và đều bị loại khỏi đề cử.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.