> Cố nhân - hồn vẫn quanh đây!
> Tiền Phong - 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam
Một tổ phóng viên gồm anh Vũ Giang, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam và tôi được giao nhiệm vụ cấp tốc vào Vĩnh Linh. Phương tiện đi lúc này là xe đạp, nhưng đi như thế mất nhiều thời gian, nên chúng tôi đi theo đoàn ôtô chở đạn của Cục Quân khí.
Ngồi trên thùng xe xếp đầy những hòm đạn, hầu như qua bến phà nào, trọng điểm nào cũng bị máy bay Mỹ phát hiện và bổ nhào, đuổi theo bắn phá… nhưng đoàn xe vẫn lao đi… chúng tôi càng cảm phục tinh thần gan dạ, mưu trí của các tay lái lính trẻ. Vào đến Quán Hàu, đoàn xe ngược phà Long Đại lên đường Quyết Thắng để vào chiến trường miền Nam. Ba phóng viên báo Đoàn tiếp tục cuộc hành trình vào Vĩnh Linh bằng xe đạp.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam gặp lại các chiến sĩ tuyến lửa Vĩnh Linh năm xưa dưới địa đạo Vĩnh Linh. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Hồ Xá, thị trấn địa đầu miền Bắc trong khu giới tuyến quân sự tạm thời theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, trước đây nhà cửa san sát, giờ chỉ còn là những bãi đất đỏ chằng chịt hố bom. Trong lòng tan nát vì cảnh chiến tranh nhưng lại có niềm vui khi nghe tiếng rít như xé gió của đạn pháo 130 ly bộ đội ta từ Vĩnh Nam cấp tập bắn sang đồn Cồn Tiên, Dốc Miếu.
Đêm đầu tiên đến xã Vĩnh Giang, đồng chí Bí thư đảng ủy tuyên bố: “Vô đây các đồng chí phải tuân thủ sự chỉ huy của chúng tôi trong sinh hoạt, cụ thể là ba đồng chí không được ngủ chung một hầm…”.
Đồng chí bí thư không nói vì sao, nhưng chúng tôi hiểu. Đại bộ phận nhân dân trong đó hầu hết là người già, trẻ em đã được sơ tán ra Nghệ An. Trên đất Vĩnh Giang nói riêng và Vĩnh Linh nói chung chỉ còn lực lượng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cuộc sống được đưa xuống lòng đất bằng hệ thống địa đạo, hầm chữ A, nhưng tổ chức rất khoa học: có nơi ăn, nơi ở, có hầm riêng cho nữ, hầm ngủ riêng cho nam…
Trung đội nữ dân quân hôm ấy làm nhiệm vụ bên bờ Nam. Tổ phóng viên báo Đoàn được “chiếm lĩnh” ba hầm của
trung đội.
Tấm ảnh của nghệ sĩ Mai Nam giúp một người ở Vĩnh Linh biết mặt người cha hy sinh từ năm 1968. |
Tôi về một hầm chật hẹp nhưng sắp xếp rất gọn gàng, trật tự, đúng là nơi có bàn tay con gái. Căn hầm thoang thoảng hương bồ kết. Vách hầm dán họa báo hình những chàng trai, những bông hoa đang nở, những chiếc gương và chiếc lược bằng xác máy bay… Nửa đêm, tôi đang chập chờn giấc ngủ thì nghe những bước chân đi huỳnh huỵch ngoài cửa hầm. Một tốp các cô gái như luồng gió ùa vào hầm. Súng đạn chạm vào vách hầm lích kích. Không ai nói năng gì. Tất cả lặng lẽ chen chúc nằm xuống tấm ván trải chiếu vương đất cát. Hình như có cô giấc ngủ đã kéo đến. Tôi biết các cô vừa quá giang đưa bộ đội sang bờ Nam, tranh thủ về ngả lưng tí chút để lại tiếp tục chuyến khác. Tôi ý tứ không muốn “lên tiếng” chuyện trò để các cô ngủ lấy sức. Lúc đầu, các cô nằm hai bên, tôi bị lèn ở giữa. Nằm đất lạnh mà cảm thấy nóng, không ngủ được, tôi phải né để các cô đẩy sang một bên, rồi áp mặt vào vách hầm, lưng quay trở lại phía các cô… Chưa ngủ tiếp được lại có bước chân chạy vào hầm. Giọng anh Mai Nam có vẻ hoảng: “Này này!!! Mình nóng quá, sợ quá!”.
Thì ra bên hầm Mai Nam ngủ cũng “bị” các cô đổi gác về chen vào nên nghệ sĩ tính dát đâm sợ. Tôi đưa tay chỉ về phía anh Mai Nam: “Cứ tư thế như tôi đây này, ngoảnh lưng lại, áp mặt vào vách là ổn cả”.
Sáng hôm sau thức dậy, chúng tôi nhìn nhau mà tức cười. Các cô gái dân quân cũng cười, cái cười trẻ trung, hồn nhiên và trong sáng. Một cô nói: “Bọn em vừa đưa thương binh từ sông lên, rét quá. Phải ấm người mới sang sông tiếp được”.
Những ngày ở Vĩnh Linh chúng tôi càng thêm khâm phục sức mạnh của tuổi trẻ. Họ có cuộc sống hồn nhiên, trong sáng. Họ có tinh thần dũng cảm và dám hy sinh trong chiến đấu. Họ cũng nói rằng, trong bom đạn ác liệt, có phóng viên báo Đoàn bên cạnh, họ càng vững tin. Tôi không thể nào quên hình ảnh Huyên - cô gái tuổi đôi mươi, đẹp như hoa hậu, đoàn viên ưu tú, chiến sĩ dân quân “quyết thắng” đã dũng cảm che chắn cho tôi trong loạt bom B52 trên con đường từ Vĩnh Giang sang Vĩnh Quang được mệnh danh là “Đường Cồn Cỏ”. Tôi cũng nhớ mãi đồng chí bí thư Đoàn Vĩnh Quang, mấy năm sau đã viết thư muốn gửi đứa con gái của mình được sinh ra trong địa đạo mà chúng tôi từng chứng kiến để nhờ báo Đoàn chăm sóc, dạy dỗ.
Cuộc sống hào hùng của nhân dân và tuổi trẻ Vĩnh Linh đã được anh Vũ Giang, Trưởng ban Văn hóa, Văn nghệ phản ánh trong phóng sự “Trên tuyến lửa Vĩnh Linh” đăng báo Tiền Phong 5 số liền. Đó là thiên phóng sự mà tôi nhận thấy một phóng viên như tôi hồi đó chưa có khả năng viết được. Tôi hỏi anh Vũ Giang: “Thiên phóng sự là công sức của anh, do anh viết chứ tôi có góp chữ nào đâu mà anh đề cả tên tôi làm tôi phát ngượng”. Anh cười: “Nghề làm báo của chúng ta là tài năng của cá nhân, song nhiều khi thành công cũng là đóng góp của trí tuệ tập thể…”.
Anh Mai Nam, phóng viên nổi tiếng về tấm ảnh chiếc máy bay Mỹ rơi và người dân quân đón bắt tên giặc lái. Đó là tấm ảnh có một không hai thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, tấm ảnh đã làm nên tên tuổi nhà nhiếp ảnh tài ba Mai Nam. Vào Vĩnh Linh, mảnh đất bom đạn ác liệt, anh đã thu vào ống kính nhiều hình ảnh mà nơi khác không có. Mới đây, Mai Nam trở lại mảnh đất Vĩnh Linh mang theo “một kho ảnh” về những ngày hào hùng của Vĩnh Linh mà anh ghi được trong chuyến đi đó. Thật xúc động, nhờ tấm ảnh của nghệ sĩ Mai Nam mà một người ở Vĩnh Quang mới nhận biết gương mặt cha mình, vì cha anh hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ để bảo vệ đảo Cồn Cỏ trước mấy ngày anh cất tiếng chào đời ở quê nhà. Từ tấm ảnh của Mai Nam, tôi đã làm bài thơ “Gặp cha” (Bài thơ được đăng trên báo Nhân Dân tháng 10 năm 2003).
Bài thơ đó như sau:
Ba mươi năm mới biết mặt cha/Ôi cái đêm cha lên tàu ra Cồn Cỏ/Giữa giây phút đảo tràn bom lửa/Trong địa đạo quê nhà con cất tiếng oa oa!/Con lớn lên đất nước không còn cắt chia/Cầu Hiền Lương đi về sớm tối/Con chưa một lần hình dung nổi/Gương mặt cha qua lời mẹ thầm thì/Chỉ biết rằng lần ấy cha đi/Để mẹ bao năm đêm dài thương nhớ/Để con bao năm chiều chiều đứng lặng/Phía ngoài kia bóng đảo xa mờ…/Rồi hôm nay như một giấc mơ/Tấm ảnh ố vàng - một người trai trẻ/Súng trên vai khoác mảnh dù loang lổ/Con ngờ đâu - đó chính cha mình/Con muốn ôm lấy cha - nhưng nhỏ lắm tấm hình/Cha muốn nói điều chi với con mà long lanh khóe mắt/Con muốn cất tiếng oa oa như ba mươi năm trước/Cửa địa đạo quê nhà giờ cây lá xanh um…/Trên bàn thờ nghi ngút khói hương/Có cha thân yêu nụ cười rạng rỡ/Biển Cửa Tùng sáng nay sóng vỗ/Trời Vĩnh Linh xanh ngắt đón cha về…
Tôi coi bài thơ này như một “dư âm” chuyến đi không thể nào quên của Tổ phóng viên báo Đoàn 45 năm trước.
Hoàng Phong
(Cựu phóng viên báo Tiền Phong, nguyên Giám đốc NXB Thanh Niên)