Tái thiết đô thị trung tâm, Đà Nẵng gặp khó về pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình thực hiện xây dựng đề án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị trung tâm TP Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030.

Tháng 6/2022, sau khi thống nhất về mặt chủ trương lập đề án, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung danh mục đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, bao gồm đề án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị trung tâm.

Tháng 10/2022, qua quá trình tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, Sở Xây dựng Đà Nẵng và Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (đơn vị trúng thầu) đã ký hợp đồng gói tư vấn lập đề án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị trung tâm TP.

Tái thiết đô thị trung tâm, Đà Nẵng gặp khó về pháp lý ảnh 1

Một phần khu vực đô thị trung tâm TP Đà Nẵng hiện nay. Ảnh: Nguyễn Trình.

Khu vực trung tâm đô thị hiện hữu của Đà Nẵng bao gồm quận Thanh Khê và quận Hải Châu nằm trong phạm vi nghiên cứu đề án. Khu vực này là sự đan xen giữa các khu đất phát triển mới hiện đại với các khu đô thị đã tương đối xuống cấp, hạ tầng và nhà ở không đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ đời sống hoặc các khu đất được sử dụng kém hiệu quả.

UBND TP Đà Nẵng cho biết trong quá trình xây dựng đề án, Sở Xây dựng đã 3 lần lấy ý kiến các sở ngành, đơn vị liên quan về dự thảo đề án. Đồng thời, đã lấy ý kiến một số chuyên gia là thành viên của Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP, Hội đồng Tư vấn kiến trúc thành phố, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP…

Qua đó, các đơn vị, các chuyên gia nhận định mục đích chính của tái thiết khu vực trung tâm là cải thiện chất lượng hạ tầng, chất lượng nhà ở, vẻ đẹp kiến trúc, khôi phục khả năng kinh tế cho khu vực trung tâm TP bằng cách đầu tư công và thu hút tư nhân, tạo thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch và phát triển kinh tế.

Tái thiết đô thị trung tâm, Đà Nẵng gặp khó về pháp lý ảnh 2

Hiện trạng một khu vực ở quận Hải Châu - nơi đặt trong phạm vi nghiên cứu của đề án.

Tuy nhiên, để đề xuất phương án, mô hình thực hiện tái thiết đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn 2022-2030 trong điều kiện chưa có mô hình tái thiết đô thị mẫu nào được triển khai thành công, chưa có những quy định cụ thể về việc tái thiết đô thị (pháp luật đầu tư, quy hoạch xây dựng, đất đai…) thực sự là một nhiệm vụ khó. Do đó, cần có sự nghiên cứu, đánh giá, phân tích một cách toàn diện, bài bản mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

UBND TP Đà Nẵng cho biết hiện chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia nghiên cứu, cập nhật tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các đơn vị và hoàn cảnh dự thảo đề án.

Theo UBND TP Đà Nẵng, mục tiêu của việc nghiên cứu là để điều tra, khảo sát, đánh giá tác động, lựa chọn các khu đất có tiềm năng cho tái thiết. Qua đó, xây dựng các danh mục cụ thể thí điểm các dự án tái thiết. Lên phương án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị đối với từng khu vực nằm trong danh mục thí điểm thực hiện.

Đồng thời, xác định công cụ điều tiết, quản lý, cơ chế phối hợp cung cấp tài chính thực hiện các dự án tái thiết đô thị.

MỚI - NÓNG